.

250.000 đồng

Người hành nghề xích lô, xe thồ được UBND thành phố Đà Nẵng hỗ trợ 250.000 đồng/người nhân dịp Tết Quý Tỵ. Thông tin này giúp hóa giải những băn khoăn suốt nhiều ngày qua của hàng nghìn bác xích lô, xe thồ trên địa bàn thành phố.

Tình hình kinh tế năm nay trên cả nước nói chung và thành phố Đà Nẵng nói riêng đều gặp nhiều khó khăn khiến ngành nào, nghề nào cũng râm ran chuyện sụt giảm, thậm chí cắt tiền thưởng Tết. Các nhân viên ngân hàng vốn được coi là nhóm “nhà giàu” khi thường được thưởng “khủng” thì nay cũng lao đao tụt dốc tiền Tết. Thế nên, cánh “nhà lá” thắc thỏm là có lý do.

Cùng nhận được tiền hỗ trợ Tết như các bác xích lô, xe thồ là các đối tượng chính sách như cán bộ lão thành cách mạng, gia đình chính sách đặc biệt khó khăn, gia đình chính sách tiêu biểu, gia đình Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lao động, thương binh 1/4 và bệnh binh 1/3…; rồi có cả cán bộ hưu trí, mất sức lao động, công nhân, viên chức nghỉ việc do tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, hay các vận động viên chuyên nghiệp, vận động viên bán chuyên nghiệp... 250.000 đồng, số tiền không thật sự lớn, tương đương với 10 cuốc xe thồ, nhưng cũng mang lại niềm vui cho những người lao động vốn phải nhặt nhạnh, tích góp từng đồng nhọc nhằn để gánh gồng với nỗi lo cơm, áo, gạo, tiền. Và trong niềm vui chào đón Xuân mới, sự sẻ chia, chăm lo của thành phố đang làm ấm lòng rất nhiều người.

Giờ này, nhiều bác đã lên kế hoạch sử dụng số tiền ý nghĩa đó. Có người dự tính sẽ chạy u ra chợ mua bánh mứt, hạt dưa cho trong nhà có hương vị Tết. Có người dự chi vào những thứ thiết thực hơn như gạo, mắm hằng ngày. Có người… cất kỹ trong túi khoe chừng với mọi người, bởi đó là niềm vui, niềm tự hào riêng có của công dân Đà Nẵng.

Bước qua năm thứ 4 của chương trình hỗ trợ này, các bác xe thồ, xích lô không dám hy vọng quá nhiều rằng đến hẹn sẽ lại được đi nhận tiền Tết. Ngân sách cả nước và thành phố đang đối diện với nhiều khó khăn; thế nên, nếu vì cái khó chung mà bó khoản hỗ trợ trên lại cũng là điều dễ dàng chia sẻ. Tuy nhiên, Đà Nẵng vẫn luôn chú trọng đến chính sách “an dân”, cố gắng để mùa xuân đến với các bác xích lô, xe thồ nói riêng cũng như những trường hợp, mảnh đời còn lắm khó khăn trở nên trọn vẹn hơn, đồng thời cũng bày tỏ sự tri ân đối với các đối tượng, gia đình chính sách, để nhà nhà đều có Tết, để mâm giao thừa đủ đầy hơn và để nụ cười rạng rỡ hơn…

Có lẽ, điều khiến Đà Nẵng trở thành thành phố đáng sống một phần xuất phát từ sự ấm lòng của từng người dân lao động hằng ngày mưu sinh trên mảnh đất này.

TOÀN VÂN

;
.
.
.
.
.