.

Chuyện cổ tích mùa xuân

Larry Vetter (70 tuổi), cựu chiến binh, từng là y sĩ của quân đội Mỹ tham chiến tại Đà Nẵng. Năm 2008, trong một chuyến trở lại Việt Nam, ông tình cờ biết hoàn cảnh của La Thanh Toàn và La Thanh Nghĩa, hai anh em bị nhiễm chất độc da cam gây bệnh teo cơ, đa dị tật, hiện sinh sống tại phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn. Từ đó, Larry trở thành người bạn lớn của các em khi thường xuyên hỏi thăm, tặng phương tiện sinh hoạt hằng ngày.

Không những thế, từ hai tháng nay, mọi người còn chứng kiến hình ảnh một ông Tây ngày ngày qua nhà Toàn - Nghĩa phục hồi chức năng cho các em. Chuyến đi lần này của ông còn có sự góp mặt của con gái ruột, Kristen Vetter (31 tuổi), cũng là một y sĩ. Họ sẽ ở lại đây và làm công việc thiện nguyện này cho đến qua Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013.

Nhiều người thường nói: Trẻ bị nhiễm chất độc da cam là những người bất hạnh nhất trong những người bất hạnh. Tuy vậy, như trường hợp của La Thanh Toàn - La Thanh Nghĩa, cuộc sống của các em không chỉ toàn tiếng khóc than, mà trong trái tim bé bỏng ấy vẫn luôn rộn vui khi được sưởi ấm bằng tình yêu thương và sự sẻ chia chân thành. Đã có biết bao “cô Tiên”, “ông Bụt” thầm lặng xuất hiện bên cuộc đời các em để làm dịu đi nỗi khốn cùng và mang lại những tin yêu. Chuyện của Larry là một ví dụ.

Trẻ em trên địa bàn Đà Nẵng bị nhiễm chất độc hóa học do hậu quả chiến tranh lên đến con số hàng nghìn người. Hầu hết các em là con của hộ nghèo, cận nghèo nên bệnh tật vì thế càng trở nên nặng nề. Nhiều em từng khép mình trong vòng quay đau đớn và buồn tủi.

Thế nhưng gần đây, mỗi ngày chúng ta lại được thấy nhiều hơn trẻ em nạn nhân chất độc da cam hồn nhiên hát, múa, vui chơi và học tập. Các em được đến trường trong những lớp học đặc biệt. Để từ đó, nhiều em trở nên tự tin, hòa đồng và có thể nói là có một cuộc đời “sống động” hơn. Những em không thể đến lớp vẫn có cơ hội tiếp cận với các hoạt động hỗ trợ nạn nhân da cam khi đến nay 100% xã, phường trên địa bàn thành phố đều đã có tổ chức Hội.

Vượt khoảng cách địa lý, vượt lên khủng hoảng kinh tế, tất cả những tấm lòng đã đến với các em bằng sự sẻ chia không giới hạn, sự kết nối của những trái tim nhân ái. Không chỉ có cha con ông Larry Vetter, mà 28 người Mỹ cùng rất nhiều người nước ngoài khác đã tự nguyện trở thành hội viên danh dự của Hội Nạn nhân chất độc da cam thành phố Đà Nẵng. Tham gia chữa bệnh, tặng phương tiện sinh kế, góp tiếng nói đấu tranh đòi công lý trên diễn đàn quốc tế… là những việc các hội viên nước ngoài đang thực hiện. Trong năm qua, các tổ chức, cá nhân quốc tế đã hỗ trợ Hội trên 700 triệu đồng (tiền, hiện vật…) để nâng cao hiệu quả chăm sóc nạn nhân da cam.

Trong khi đó, những “ông Bụt” khác là những nhà hảo tâm trong nước vẫn đều đặn đến với các nạn nhân mọi lúc họ cần. Từng gói quà, từng khoản tiền trợ cấp đến mỗi cái bóng đèn, máy phát điện… ở các cơ sở nuôi dưỡng trẻ em da cam đều mang đậm dấu ấn của bao tấm lòng nhân ái. Nhờ đó, suốt nhiều năm qua, hoàn toàn bằng nguồn kinh phí tự vận động, “bộ máy” hoạt động Hội gồm hàng chục cán bộ, 200 em đang học tập tại các trung tâm và 5.000 nạn nhân ở cộng đồng vẫn được vận hành tốt đẹp.

Dẫu còn nhiều khó khăn phía trước, song theo chia sẻ của Hội Nạn nhân chất độc da cam thành phố, mỗi khi nghe “da cam” kêu gọi, các nhà hảo tâm đều sẵn lòng ủng hộ. Năm 2012 là thời điểm kinh tế khó khăn, vậy mà Hội vận động được gần 6 tỷ đồng. Điều đó đã nói lên tất cả về sự quan tâm của mọi người trong và ngoài nước đối với nạn nhân chất độc da cam Đà Nẵng.

Mùa xuân năm nay cũng vậy, dù đâu đó còn đầy lo toan, nhưng trẻ em da cam vẫn được đón Tết an lành, ấm áp niềm vui. Cái lạnh giá trong những ngày cuối đông và đầu xuân cũng vơi đi bởi những câu chuyện cổ tích về tình thương, lòng hướng thiện luôn được dệt lên mỗi ngày.

TOÀN VÂN

;
.
.
.
.
.