.

Chuyện thưởng Tết

Khi Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng công bố mức lương, thưởng Tết năm 2013 của hơn 300 doanh nghiệp (DN), trong đó mức thưởng cao nhất thuộc loại hình DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với số tiền thưởng 286,3 triệu đồng, cao gấp 4 lần so với mức thưởng Tết năm ngoái, nhiều người đã ngạc nhiên.

Vẫn biết quy luật phân công lao động quy định mức lương, thưởng của mỗi người; vẫn biết không thể chỉ nhìn vào mức thưởng Tết để đánh giá ngành này cao, ngành kia thấp nhưng người ta vẫn không khỏi chạnh lòng khi nhìn vào mức thưởng Tết thấp nhất cũng trong DN FDI chỉ có 200.000 đồng/người, chênh lệch đến 1.430 lần!

Dù không thể cân đo, đong đếm nhưng thưởng Tết phản ánh “sức khỏe” của DN. Trong tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay, nhiều DN có mức thưởng Tết khá cao là điều đáng mừng, là dấu hiệu tốt đối với tình hình phát triển kinh tế-xã hội trong năm tới.

Tuy nhiên, mức thưởng Tết khá cao tại Đà Nẵng năm nay không thuộc về DN trong nước mà chủ yếu rơi vào các DN FDI khiến chúng ta phải suy nghĩ. Ba loại hình DN còn lại là DN 100% vốn Nhà nước, DN có cổ phần Nhà nước và DN dân doanh đều có mức thưởng Tết giảm từ 2-7 triệu đồng/người, mức thưởng Tết thấp nhất vẫn là 100.000 đồng/người, xuất hiện ở cả 4 loại hình DN. Và tại Đà Nẵng còn 3 DN cổ phần có vốn góp của Nhà nước nợ lương của 303 người lao động với tổng số tiền hơn 1,3 tỷ đồng thì tại các đơn vị này rất khó nói đến chuyện thưởng Tết.

Không có gì lạ khi năm 2012, các DN FDI thắng thế trên nhiều bình diện, cả về xuất khẩu lẫn chiếm lĩnh thị phần trong nước và ít chịu ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế, thậm chí lấn át các DN trong nước bởi sức mạnh về vốn, cách điều hành. Qua mức thưởng Tết, một lần nữa các DN trong nước tự nhìn nhận lại mình để có những bước đi vững chắc hơn trong năm mới 2013. Trên thương trường, kẻ nào mạnh, kẻ ấy thắng, đó là quy luật tất yếu. Ấy vậy nhưng nếu DN làm ăn thật sự có lãi và minh bạch số lãi đó để thực hiện nghĩa vụ đóng thuế thì không có gì đáng bàn. Thực tế, những DN FDI lớn “lỗ giả - lãi thật” hòng “né” thuế không phải là hiếm. Điều đó khiến các DN này càng mạnh hơn về vốn và sẵn sàng “thôn tính” các DN trong nước. Bởi vậy, không ngạc nhiên khi có DN than lỗ nhưng tiền thưởng Tết vẫn cao ngất ngưởng.

Đó là chuyện các DN thưởng Tết. Còn chuyện thưởng Tết dương lịch, âm lịch đối với cán bộ, công chức hay giáo viên thì nói mãi thêm buồn.

Riêng đối với Đà Nẵng, dù năm nay nguồn thu giảm mạnh nhưng thành phố vẫn bảo đảm các khoản tiền hỗ trợ Tết cho người về hưu, người có công, cán bộ, công chức… Dẫu sao sự quan tâm của thành phố đến những người lao động cũng ít nhiều bù đắp được phần nào sự chênh lệch trong câu chuyện thưởng Tết. Dù có hay không khoản tiền thưởng Tết thì người lao động vẫn nỗ lực làm việc trong năm tới nhưng không thể phủ nhận thưởng Tết là động lực mạnh mẽ để họ cố gắng nhiều hơn, gắn bó hơn với đơn vị, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội.

PHƯƠNG TRÀ

;
.
.
.
.
.