.

Dân chủ và pháp luật

Dân chủ, có thể hiểu theo nhiều nghĩa. Theo cách hiểu sắc sảo của Thomas Jefferson (Tổng thống và là cha đẻ của Tuyên ngôn độc lập Mỹ), đó là quyền “được sống, được tự do và mưu cầu hạnh phúc”, đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh trích dẫn trong Tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Quyền này của người dân đã được minh định và bảo vệ trong Hiến pháp, đạo luật có giá trị cao nhất của một quốc gia. Trong khi đó, pháp luật là sự cụ thể hóa những điều luật cơ bản của Hiến pháp, quy định các quy tắc ứng xử mang tính bắt buộc, các chế tài pháp lý đối với những hành vi vi phạm pháp luật. Luật pháp thông thường được thực thi thông qua một hệ thống tòa án, trong đó quan tòa sẽ nghe tranh tụng từ các bên và áp dụng các quy định để đưa ra phán quyết công bằng và hợp lý. Có 2 câu chuyện diễn ra trên thực tế được đề cập sau đây nhằm minh họa cho mối quan hệ giữa dân chủ và pháp luật.

Câu chuyện thứ nhất: Thời gian gần đây, trên Báo Đà Nẵng liên tục đăng tải công khai các quyết định của Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng về kết quả giải quyết đơn thư khiếu nại của công dân, hầu hết liên quan đến việc đền bù giải tỏa, bố trí đất tái định cư. Nội dung các quyết định nêu rõ diễn biến vụ việc, trình tự xử lý, kết luận của cơ quan có thẩm quyền, trong đó nêu rõ nếu công dân không đồng ý với quyết định thì được quyền khởi kiện vụ án hành chính tại TAND thành phố theo quy định của pháp luật. Đây có thể xem là bước tiến mới trong quá trình cải cách thủ tục hành chính, thực hiện dân chủ hóa và công khai hóa trách nhiệm, nghĩa vụ của các cơ quan chức năng trong việc tiếp nhận xử lý khiếu nại của công dân.

Câu chuyện thứ hai (trích từ Báo Tuổi trẻ ngày 9-1-2013): Căn nhà của gia đình ông Nguyễn Tấn Lực, cư ngụ số 2A Vũ Ngọc Phan (phường 13, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh) gần 20 năm không có lối ra vì bị ki-ốt của một công ty chắn ngang. Vợ chồng ông đã mang đơn đi khiếu nại nhiều nơi nhưng không có kết quả. Song, buổi tiếp công dân của Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Hải đã cho hướng giải quyết thỏa đáng theo đúng pháp luật. Theo ông Lực, việc mang đơn đi khiếu nại 20 năm với các cơ quan công quyền chỉ bằng 20 phút tiếp dân của Bí thư Thành ủy (!?).

Liên hệ với thành phố Đà Nẵng, trong nhiều năm qua chắc chắn cũng có không ít trường hợp tương tự mà người dân buộc phải tìm cách tiếp cận những người lãnh đạo cao nhất của thành phố để xin hướng xử lý.

Theo quy định hiện hành, khi phát sinh những vấn đề khiếu nại, công dân được quyền tiếp cận nhà chức trách có liên quan để yêu cầu giải quyết vụ việc theo trình tự pháp luật. Nếu sự vụ không được xử lý thỏa đáng, người dân sẽ đệ đơn ra tòa án nhằm tìm kiếm phán quyết công bằng và có hiệu lực, bởi vì suy cho cùng tòa án chính là chỗ dựa đáng tin cậy nhất trong mô hình thể chế Nhà nước pháp quyền. Đáng tiếc, thực tế rất nhiều vụ việc khiếu nại đã diễn ra triền miên từ năm này qua năm khác mà không được kết luận xử lý đến nơi đến chốn, bị ách tắc phần lớn vì tình trạng quan liêu, vô trách nhiệm của các cơ quan công quyền, khiến người bị hại phải “vái tứ phương” và một trong những cách thức “ngoài luồng” là tìm mọi cách để tiếp cận lãnh đạo. Nếu vẫn duy trì tình trạng hành xử pháp luật theo kiểu “nửa dơi nửa chuột” này thì không những hiệu lực công quyền bị méo mó nghiêm trọng mà bản thân người lãnh đạo cũng bị mang tiếng là không chu toàn trách nhiệm, bởi họ sẽ không bao giờ có đủ thời gian và điều kiện để giải quyết hết mọi bức xúc của dân.

Dân chủ là quyền của công dân được pháp luật công nhận và bảo vệ. Pháp luật tồn tại cũng chỉ vì một lý do quan trọng nhất là bảo vệ kỷ cương dân chủ. Hệ thống pháp luật trong một xã hội dân chủ hiện đại đòi hỏi phải không ngừng hoàn thiện vai trò của cơ quan công quyền, phải xem việc nâng cao đạo đức và năng lực công vụ là tiêu chí quan trọng nhất của mọi nhà chức trách. Có như vậy mới thực hiện được mục tiêu cao cả là xây dựng một thể chế hợp lòng dân, luôn hướng đến dân, hiểu được dân và phục vụ dân ngày càng tốt hơn.

THANH THỦY

;
.
.
.
.
.