.

Khi nguyên tắc không mang tính cưỡng chế

Một trong những mục tiêu lớn của Đà Nẵng là xây dựng “thành phố 3 có”: có nhà ở, có việc làm, có nếp sống văn hóa-văn minh đô thị. Chính sách nhân văn này vừa gắn với nhu cầu an cư lạc nghiệp, tồn tại và mưu sinh hằng ngày của từng gia đình, vừa đòi hỏi sự quyết tâm, nỗ lực từ cả hai phía: chính quyền và người dân.

Để xây dựng thành phố hiện đại, văn minh, là điểm đến thân thiện của mọi du khách, trước hết Đà Nẵng không thể chấp nhận kéo dài mãi tình trạng vô nguyên tắc trong quá trình thực thi các quy tắc quản lý đô thị, nhất là trên các lĩnh vực “mắt thấy, tai nghe” như: đường thông, hè thoáng; buôn bán có trật tự, quy củ; vệ sinh an toàn thực phẩm; an ninh, an toàn giao thông... Cần thường xuyên tiến hành những nội dung này một cách kiên trì, kiên quyết, bắt đầu từ những việc nhỏ, dần dần lan tỏa thành phong trào lớn, chủ động lôi cuốn mọi tầng lớp nhân dân thì mới mong chủ trương “thành phố 3 có” được hiện thực hóa. Để lập lại nguyên tắc trên mọi lĩnh vực quản lý, phải cần đến sự cưỡng chế, nhưng đó không phải là mục tiêu tối hậu của chính quyền vì dân.

Một ví dụ điển hình, nhiều năm trước đây, chung quanh hàng rào của Trường CĐ Công nghệ Đà Nẵng thường xuyên bị bao vây bởi một “rừng” hàng quán lớn, nhỏ các loại, rất mất trật tự và vệ sinh. Tuy nhiên đến nay, với nỗ lực vận động của chính quyền địa phương, người dân và nhà trường, tất cả hàng quán đã được dọn dẹp, trả lại cảnh quan khang trang cho nhà trường, công ăn việc làm của người dân không vì vậy mà bị ảnh hưởng bởi họ tự biết điều chỉnh bằng cách bố trí lại địa bàn hoạt động cho phù hợp.

Nhìn rộng ra, nếu tiến hành rà soát tất cả các khu vực trung tâm, đường phố, trường học, bệnh viện…, chúng ta sẽ chứng kiến quá nhiều tình trạng ngổn ngang, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, buôn bán mất trật tự… Trách nhiệm này thuộc về ai? Trước hết, bản thân người dân và chính quyền sở tại phải tự truy vấn mình.

Một ví dụ khác, Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư 30 quy định về quản lý thức ăn đường phố, có hiệu lực từ ngày 20-1-2013. Nhiều ý kiến phản đối cho rằng đây là luật bất khả thi, thiếu thực tiễn, đi ngược lại thói quen, tâm lý, sở thích của người tiêu dùng (!?).

Tuy nhiên, cần bình tĩnh suy xét, đồng thời phải nhấn mạnh rằng đây chỉ là một trong những nỗ lực nhằm lập lại các nguyên tắc cốt yếu trong việc bảo vệ sức khỏe của nhân dân. Bản thân người tiêu dùng chính là chủ thể có quyền lực nhất khi quyết định lựa chọn cung cách sử dụng hàng hóa dịch vụ sao cho an toàn, hiệu quả, không ai có thể làm thay nếu họ thật sự muốn điều đó, kể cả trả giá cho điều đó.

Về phía các nhà quản lý, cần kiên quyết hơn trong việc áp đặt các điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm đối với các cơ sở kinh doanh đạt chuẩn, tiến đến cấp giấy chứng nhận tiêu chuẩn an toàn theo “sao” tương tự tiêu chuẩn khách sạn để giúp định hướng đúng đắn cho người tiêu dùng. Bản thân người kinh doanh buộc phải cân nhắc, tự điều chỉnh cung cách làm ăn sao cho có uy tín nhằm thu hút khách hàng. Sự cưỡng chế để thực thi quyết định của Bộ Y tế liệu có còn cần thiết khi mà ai trong chúng ta cũng xem trọng “sức khỏe quý hơn vàng”?

Như vậy, một khi đã tạo ra được sự đồng thuận và chuyển động mạnh mẽ từ cả hai phía, nhà chức trách và người dân, thì mọi nguyên tắc sẽ không còn mang tính cưỡng chế nữa mà thật sự trở thành nhu cầu của sự tiến bộ và văn minh trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội. Đà Nẵng vốn nổi tiếng cả nước với việc “Nhà nước và nhân dân cùng làm” thì không có bất cứ lý do gì cản trở mong muốn tạo ra những chuyển biến mới, mang tính đột phá trên lĩnh vực quản lý đô thị trong thời gian đến.

THANH THỦY
 

;
.
.
.
.
.