Mất an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) là mối quan tâm, nhức nhối của toàn xã hội, trong đó nguy cơ ngộ độc, nhiễm bệnh ở nhóm hàng rong, thức ăn đường phố không nguồn gốc, xuất xứ là bức xúc lớn nhất và cần sớm có giải pháp khắc phục.
Tuy nhiên, 3 ngày sau khi Thông tư 30 của Bộ Y tế quy định quản lý thức ăn đường phố có hiệu lực (ngày 20-1-2013), hầu hết cơ sở bán thức ăn vỉa hè, hàng rong trên địa bàn Đà Nẵng hoạt động bình thường, vẫn chưa có hoạt động kiểm tra, nhắc nhở của lực lượng chức năng. Nhiều người bán hàng rong ngạc nhiên vì họ không hề biết thông tin triển khai quy định mới nêu tại Thông tư 30 như: cần có bàn ghế, giá tủ để bày thức ăn, đồ uống và phải cách mặt đất ít nhất 60cm, thức ăn phải để trong tủ kính hoặc thiết bị bảo đảm vệ sinh. Ngoài ra, nguyên liệu, phụ gia thực phẩm phải có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và bảo đảm ATVSTP theo quy định.
Cũng theo Thông tư này, người đang mắc các bệnh truyền nhiễm sẽ không được phép tiếp xúc trực tiếp trong quá trình sản xuất, chế biến thực phẩm, không được tham gia kinh doanh thức ăn đường phố.
Tuy nhiên, khách hàng cũng không thể kiểm tra được người nấu thức ăn có mắc bệnh truyền nhiễm hay không.
Ngoài ra, Thông tư cũng quy định, người bán thức ăn đường phố phải tham gia tập huấn về VSATTP, trang phục phải sạch, dùng găng tay sử dụng một lần khi tiếp xúc với thực phẩm; phải có khoang riêng chứa thực phẩm chín, bảo đảm chống được bụi bẩn, mưa nắng, côn trùng… Quy định thì nhiều, nhưng cái khó là ở chỗ, hơn 400.000 điểm bán thức ăn đường phố trong cả nước đều là những cơ sở nhỏ lẻ, tạm bợ, di biến động thường xuyên và chỉ bán hàng ở một thời điểm nhất định trong ngày, làm sao họ có thể đáp ứng tất cả các yêu cầu theo quy định trên! Còn nếu không thực hiện theo quy định, chính họ phải chọn nghề khác để mưu sinh.
Vấn đề đặt ra là hiệu quả của Thông tư 30 rất khó đạt được trong thời điểm hiện nay. Bởi lẽ, ăn uống vỉa hè từ lâu là thói quen không thể bỏ được của người dân Việt Nam vì sự tiện lợi và giá cả phù hợp với phần lớn người tiêu dùng. Vì vậy, các quán ăn vỉa hè mọc lên ngày một nhiều nhưng vẫn cứ đông khách. Cốt yếu là người tiêu dùng đang chấp nhận đối với nhóm thức ăn đường phố. Bên cạnh đó, đây còn là nơi tạo công ăn việc làm, giúp ổn định cuộc sống cho rất nhiều người nên chắc chắn, họ khó có thể từ bỏ nghề mưu sinh của mình, nhất là khi xã hội chưa đủ điều kiện tạo công ăn việc làm tốt hơn cho họ.
Ông Nguyễn Minh Tiến, Chi cục trưởng Chi cục VSATTP thành phố cho biết, trên địa bàn Đà Nẵng, cơ quan chức năng đang quản lý 3.075 cơ sở thức ăn đường phố, số điểm bán hàng rong không thể quản lý và thống kê số lượng. Về việc triển khai Thông tư 30, ông Tiến cho biết rất khó triển khai vì lực lượng quản lý VSATTP mỏng, phân cấp ở xã, phường quản lý hàng rong có nơi chưa sâu sát, thiếu quyết liệt nên thời gian đầu hiệu quả sẽ chưa cao. Nhìn ở khía cạnh khác, khi hàng lậu, hàng kém chất lượng, thực phẩm, phụ gia không nguồn gốc, xuất xứ vẫn tràn lan trên thị trường thì việc “nắm đầu” người bán hàng rong thôi là điều chưa thỏa đáng. Do vậy, nên bắt đầu từ việc quản lý, kiểm soát thị trường, quản lý thuốc bảo vệ thực vật để những sản phẩm này không còn được sử dụng tràn lan rồi mới tính đến chuyện bắt người bán hàng phải tuân thủ nghiêm ngặt những quy định về VSATTP.
Việc Bộ Y tế ban hành quy định các điều kiện nghiêm ngặt đối với người buôn bán thức ăn đường phố là việc làm cấp thiết, theo đó sẽ góp phần cải thiện hơn chất lượng và sự an toàn của thức ăn đường phố, bảo vệ sức khỏe người dân. Thế nhưng, Thông tư 30 khi đi vào cuộc sống vẫn còn bộc lộ nhiều điểm khó thực hiện, chưa sát thực tế, gây khó khăn cho cả người kinh doanh lẫn cơ quan quản lý Nhà nước. Nếu triển khai đồng bộ hơn, trong đó cần tính toán xây dựng lộ trình phù hợp với thực tế hiện nay và đẩy mạnh tuyên truyền sớm, sâu rộng để từng người dân, từng cơ quan chức năng chủ động trong việc triển khai thực hiện quy định thì hiệu quả sẽ thấy rõ hơn so với thực tế.
DIỆU MINH