.

Lo vốn cho doanh nghiệp

Năm 2013 được dự báo còn nhiều khó khăn, thách thức do kinh tế thế giới phục hồi chậm, các thị trường xuất khẩu và thu hút đầu tư chủ yếu của nước ta vẫn chưa thoát khỏi tình trạng suy giảm, nguy cơ tác động xấu từ bên ngoài vẫn tiềm ẩn, có thể ảnh hưởng không tốt đến kinh tế nước ta.

Trước thực tế như vậy, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chỉ đạo các NHTM phải bắt tay ngay nhiệm vụ đưa vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh...; đồng thời chỉ rõ: Để tạo điều kiện hỗ trợ DN vay vốn, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, các NH cần tập trung vốn cho các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, doanh nghiệp vừa và nhỏ...
Mặc dù trong năm 2012, ngành NH có nhiều động thái hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp bằng các giải pháp hạ lãi suất cho vay, giảm lãi suất cho vay cũ về mức 15%..., lãi suất đã giảm, nhưng doanh nghiệp

vẫn khó tiếp cận vốn vay vì lâm vào tình trạng nợ xấu. Và năm 2012, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn nhất. Vì vậy, trong năm 2013, việc giúp doanh nghiệp tiếp cận các dòng vốn trên thị trường, đặc biệt là dòng vốn từ các NH được xem là hết sức quan trọng. Điều này càng cực kỳ cấp thiết trong thời điểm cận Tết như hiện nay, khi doanh nghiệp rất cần vốn để tăng cường hoạt động sản xuất kinh doanh. Chỉ có việc được hỗ trợ nhanh chóng tiếp cận được nguồn vốn có lãi suất hợp lý, doanh nghiệp mới có đất sống và nền kinh tế mới nhanh chóng phục hồi.

Tuy nhiên, với mức tăng trưởng đề ra trong năm 2013 là 12% (thấp hơn năm 2012), đồng nghĩa với việc vốn đến doanh nghiệp sẽ ít đi, hoàn toàn không có lợi cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ chủ yếu dựa vào vốn vay. Vì vậy, đằng sau chỉ tiêu mới về tăng trưởng tín dụng là bài toán lớn mà mọi doanh nghiệp, cá nhân sản xuất kinh doanh phải tính toán, tìm lời giải hợp lý cho mình trong thời điểm khó khăn chung này. Song, cửa vay vốn vẫn còn để ngỏ, khi NHNN được phép “kiểm soát tăng trưởng tín dụng theo định hướng tăng trưởng tín dụng cả năm 2013 khoảng 12% nhưng linh hoạt điều chỉnh theo diễn biến và tình hình thực tế. Không kiểm soát tỷ trọng cho vay đối với lĩnh vực không khuyến khích; tiếp tục cho phép các tổ chức tín dụng (TCTD) tự quyết định cho vay ngắn hạn bằng ngoại tệ đối với các nhu cầu vốn để thanh toán ra nước ngoài tiền hàng nhập khẩu xăng dầu của các doanh nghiệp không có nguồn thu ngoại tệ và cho vay trong nước để thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng xuất khẩu đối với doanh nghiệp có nguồn thu bằng ngoại tệ, thực hiện đến hết năm 2013”.

Thực tế, để dòng vốn được khơi thông, NH cũng cần có những điều chỉnh về mặt thủ tục đối với doanh nghiệp bởi hiện nay, nợ xấu và hàng tồn kho vẫn là mối lo, rào cản tăng trưởng tín dụng. Khi hàng tồn kho cao khiến các DN không có khả năng trả nợ ngân hàng, từ đó phát sinh nợ xấu. Nợ xấu tăng cao không những đe dọa đến tình hình thanh khoản mà còn ảnh hưởng đến khả năng cung ứng tín dụng của các NH. Vì lo ngại nợ xấu nên các NH lại càng siết chặt điều kiện cho vay. Do đó, khả năng tiếp cận vốn NH của doanh nghiệp càng khó hơn. Các DN phải xây dựng chiến lược kinh doanh mới cho phù hợp với diễn biến thị trường, đồng thời đánh giá lại mình xem đâu là điểm yếu, đâu là điểm mạnh của mình.

Nếu làm được điều này, các doanh nghiệp sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận vốn hơn và các NHTM cũng sẽ bớt bị áp lực trong khâu xét duyệt cho vay vốn. Và hoạt động kinh tế dần dần được cải thiện, ổn định.

THÀNH LÂN

;
.
.
.
.
.