.

Phải từ thực tiễn cơ sở

Một chi tiết khá bất ngờ và thú vị diễn ra trong buổi làm việc của Ban chỉ đạo Trung ương tại trụ sở phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà vào sáng qua, 8-1. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang không ngồi vào vị trí chủ tọa trong dãy bàn làm việc đã bố trí theo dạng hình chữ U theo phương án ban đầu, mà đi thẳng vào ngồi ở giữa hàng ghế đối diện với lãnh đạo phường. Chủ tịch nước nói vui, ngồi như thế để được hỏi nhiều và nhất là lắng nghe cho kỹ!

Thực tế, buổi làm việc đã diễn ra trong không khí cởi mở nhưng cũng có khá nhiều điều để nói, từ Chủ tịch nước đến các thành viên tháp tùng, cũng như việc trả lời từ lãnh đạo phường An Hải Bắc và quận Sơn Trà. Bởi, nội dung của buổi làm việc chính là để rút ra những điều làm được, chưa làm được đến việc tiếp thu ý kiến, kiến nghị của cơ sở, nhằm phục vụ cho Ban chỉ đạo Đề án “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở”, dự kiến trình tại Hội nghị Trung ương lần thứ 7 (khóa XI).

Việc chọn phường An Hải Bắc là địa phương thực hiện thí điểm mô hình Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND phường, thí điểm không tổ chức HĐND cấp phường…đã tạo điều kiện thuận lợi cho Đoàn khảo sát đề cập những vấn đề cần quan tâm trong việc đổi mới xây dựng hệ thống chính trị ở xã, phường, thị trấn theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) từ năm 2002. Vì thế, rất nhiều câu hỏi được đặt ra từ cơ sở như đổi mới phương thức lãnh đạo của tổ chức Đảng, điều hành, quản lý của chính quyền, phát huy dân chủ, tìm hiểu số lượng kỷ luật đảng viên…trong 10 năm qua.

Nhưng tựu trung, có 3 vấn đề lớn được đặt ra, chính là làm rõ việc phân cấp giữa phường với cấp trên, xây dựng đội ngũ cán bộ, vai trò giám sát của Mặt trận và các đoàn thể chính trị-xã hội. Qua hoạt động thực tiễn, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND phường An Hải Bắc Nguyễn Thành Nam đã trả lời khá mạch lạc và khúc chiết những vấn đề đặt ra; trong đó thừa nhận bên cạnh những thành quả đạt được, luôn tồn tại những bất cập cần được giải quyết một cách triệt để, đồng bộ để hệ thống chính trị ở cơ sở xã, phường ngày càng vững mạnh. Đó là phải phân cấp một cách mạnh mẽ giữa phường với cấp trên; phân cho cấp nào thì cấp đó phải chịu trách nhiệm một cách rạch ròi; đồng thời phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp trong việc giải quyết những vấn đề phát sinh.

Việc phân cấp liên quan đến chức năng, nhiệm vụ…cần phải được phân định một cách rõ ràng, minh bạch; đồng thời phải gắn với trách nhiệm cụ thể đối với cấp phường. Liên quan đến lĩnh vực này, lại kéo theo vấn đề đội ngũ cán bộ, công chức phường. Theo báo cáo, mức thu nhập của cán bộ, công chức phường là quá thấp; vì thế cần nghiên cứu “ghép” các chức danh, đặc biệt là thực hiện khoán biên chế để tăng thu nhập cho cán bộ, công chức đồng thời gắn với chức năng, nhiệm vụ cụ thể. Đây không phải là vấn đề mới, vì Kết luận Hội nghị Trung ương 5 (khóa XI) đã nêu rõ: Đối với khu vực hành chính Nhà nước, Đảng, đoàn thể, cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, thu gọn đầu mối và tinh giản biên chế, khoán biên chế, kinh phí quản lý hành chính… Vấn đề này, cơ sở mạnh dạn hưởng ứng nhưng vẫn chưa thực hiện được! Việc khoán biên chế ổn định 5 năm, chính là cơ sở vững chắc để cấp phường ổn định tổ chức, tăng thu nhập cho cán bộ theo sự tăng trưởng kinh tế của địa phương; từ đó giải quyết vướng mắc lớn nhất hiện nay là nhiều người nhưng thu nhập thấp, chức năng, nhiệm vụ không rõ ràng! Đồng thời, phải có chính sách để tạo sự liên thông trong cán bộ giữa phường, xã  với quận, huyện. Bên cạnh đó, là giải quyết khúc mắc của đội ngũ làm công tác không chuyên trách ở phường, xã: người đông, phụ cấp ít, lại không được hưởng BHXH bắt buộc... Tất cả là phải làm sao cho đội ngũ cán bộ, công chức phường, xã ngày càng tinh hơn, trách nhiệm rõ ràng hơn và nhất là thu nhập tăng hơn để bảo đảm đời sống cho họ yên tâm công tác!

Bên cạnh đó, Chủ tịch nước và các thành viên trong đoàn cũng nhấn mạnh vai trò giám sát, phản biện của Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội. Bởi hiện nay, mặc dù có chủ trương, chính sách nhưng việc thực hiện chưa hiệu quả và thực chất; giám sát đảng viên thì phải có kinh phí độc lập, vì đã phụ thuộc thì khó phản biện, giám sát hiệu quả…

Rất nhiều câu hỏi đặt ra từ thực tiễn cơ sở như thế đã được Chủ tịch nước lắng nghe cặn kẽ, kỹ càng và có những gợi mở hướng giải quyết cho cơ sở. Từ việc bám sát thực tiễn tận cơ sở đó, nhiều vấn đề vướng mắc cần được tiếp thu và nhất là phải đưa vào thảo luận nghiêm túc nhằm xây dựng các nghị quyết, kết luận của Đảng, thể chế hóa thành những văn bản quy phạm pháp luật... để việc triển khai được đồng bộ, xuyên suốt. Tất cả vì mục tiêu nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị cấp xã, phường; từ đó góp phần quan trọng vào hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở!

ANH QUÂN

;
.
.
.
.
.