.

Phát huy trí tuệ toàn dân

Bước vào đầu năm mới 2013, cùng với những tín hiệu khả quan cho phát triển đất nước, một “thông điệp” được Đảng ta đưa ra với toàn Đảng, toàn dân, đó là sự huy động trí tuệ của toàn thể cán bộ, nhân dân cả nước đóng góp vào việc xây dựng dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Chỉ thị số 22-CT/TW của Bộ Chính trị do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 nêu rõ: “Đây là một đợt sinh hoạt chính trị quan trọng, rộng lớn trong toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị”. Việc lấy ý kiến đó thể hiện tinh thần “phát huy quyền làm chủ, trí tuệ, tâm huyết của các tầng lớp nhân dân, của các cấp, các ngành, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức đối với việc sửa đổi Hiến pháp...”. Việc sửa đổi này cũng nhằm mục tiêu xây dựng “Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân” mà Đảng ta lãnh đạo thực hiện ngày càng hoàn thiện hơn.

Việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân một cách rộng rãi trong quá trình xây dựng, sửa đổi Hiến pháp ở nước ta chính là phát huy dân chủ một cách cao độ trong xây dựng Nhà nước pháp quyền. Đây không phải là lần đầu tiên xuất hiện tư tưởng này, mà từ khi ra đi tìm đường cứu nước đến khi nước nhà giành được độc lập, Hồ Chí Minh luôn đề cao dân chủ, phát huy trí tuệ và sức mạnh toàn dân trong xây dựng Nhà nước pháp quyền; Nhà nước đó không phải là Nhà nước pháp quyền chung chung mà chính là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân - Nhà nước pháp quyền XHCN. Ngay trong Hiến pháp đầu tiên năm 1946 của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Người trực tiếp soạn thảo, ở Điều 1 đã khẳng định: “Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp”.

Trong lịch sử xây dựng Nhà nước pháp quyền, sau này là Nhà nước pháp quyền XHCN, nước ta có Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980 và Hiến pháp năm 1992. Mỗi bản Hiến pháp đều ghi nhận những thành quả cách mạng to lớn mà nhân dân Việt Nam đã đạt được, tạo nền tảng vững chắc cho sự ổn định và phát triển đất nước. Mỗi Hiến pháp đều thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong từng thời kỳ; thực hiện chủ quyền nhân dân; xây dựng Nhà nước pháp quyền; phát huy dân chủ và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân... mà xuyên suốt trong đó là xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; phát huy quyền con người, quyền làm chủ của nhân dân; khẳng định chủ quyền của đất nước...

Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, nhất là qua thực tiễn 20 năm đổi mới, đã bộc lộ những vấn đề trong xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN ở nước ta. Dư luận xã hội cũng như ý kiến tại các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội cho thấy, việc thực hiện pháp luật chưa nghiêm minh; việc xây dựng luật còn chưa theo kịp với phát triển của đời sống; những chủ trương của Đảng chậm được thể chế hóa bằng pháp luật; cải cách pháp luật còn bị vướng các quy định của Hiến pháp... Đặc biệt, các văn kiện Đại hội lần thứ XI của Đảng thông qua đã bổ sung, phát triển những nội dung mới, tiên tiến, phù hợp với tình hình trong nước và thế giới; thể hiện quan điểm tiếp tục thực hiện đổi mới mạnh mẽ và toàn diện; đổi mới phải phù hợp, đồng bộ giữa kinh tế và chính trị...

Vì thế, việc sửa đổi Hiến pháp 1992 là một việc làm tất yếu, hợp quy luật và nhất là tiếp tục khẳng định vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng đối với sự nghiệp đổi mới đất nước, với sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN ở Việt Nam theo Chủ nghĩa Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh; ngày càng phát huy dân chủ, bảo đảm quyền con người... Trên cơ sở đó, việc sửa đổi Hiến pháp 1992 tập trung làm rõ những vấn đề cần phát huy trên những lĩnh vực cơ bản như: Chế độ kinh tế; quốc phòng - an ninh; quyền con người và quyền công dân; hoàn thiện tổ chức và phát huy năng lực quản lý, điều hành xã hội của bộ máy Nhà nước bằng pháp luật...

Chính vì vậy, việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cần có sự chung sức, chung lòng, phát huy “quyền làm chủ, trí tuệ, tâm huyết của các tầng lớp nhân dân”. Tham gia góp ý sửa đổi Hiến pháp chính là mỗi người dân được thể hiện quyền dân chủ, quyền con người của mình, phát huy quyền lợi và trách nhiệm công dân trong một đất nước độc lập, tự do, phát huy dân chủ XHCN của chế độ ta. Từ việc đóng góp trí tuệ, tâm huyết đó, khi Hiến pháp (sửa đổi) được ban hành, thì mọi người được thụ hưởng thành quả từ công sức đóng góp của mình trong quá trình tham gia xây dựng Nhà nước pháp quyền thực sự của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; một Nhà nước mà như khoản 1, Điều 15 (sửa đổi, bổ sung Điều 50) khẳng định: “Ở nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, quyền con người, quyền công dân được Nhà nước và xã hội thừa nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”.

ANH QUÂN

;
.
.
.
.
.