.

Tái cơ cấu, cần “kê đơn bốc thuốc”...

“Tái cơ cấu” hoặc “tái cấu trúc”/“cơ cấu lại”… đã trở thành ngôn từ có tính “thời thượng” trong thời gian gần đây, nhất là từ sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã xác định chủ trương tái cấu trúc tập trung vào 3 lĩnh vực chính: đầu tư công, tài chính - ngân hàng, doanh nghiệp Nhà nước. Việc làm rõ nội hàm của phạm trù “tái cơ cấu” trên thực tế rất quan trọng. Tuy nhiên, điều có ý nghĩa hơn chính là xác định rõ và đúng đắn mục tiêu, nội dung, lộ trình tái cơ cấu như thế nào cho phù hợp với thực trạng nền kinh tế, vốn dĩ đang đòi hỏi rất cấp bách về một mô hình phát triển mới, mang tính bền vững, có sức cạnh tranh và hội nhập cao.

Tái cơ cấu là yêu cầu thường đặt ra một khi chủ thể gặp phải khó khăn lớn hoặc phát sinh những điểm yếu cần phải khắc phục để có thể chủ động đối phó với những thách thức bên ngoài và củng cố sức mạnh bên trong, hướng đến mục tiêu phát triển an toàn, hiệu quả, bền vững. Như vậy, mục tiêu, nội dung của tái cơ cấu là phải song hành giải quyết cả hai nhiệm vụ sách lược và chiến lược, tùy thuộc vào tầm mức quan trọng và độ phức tạp của các lĩnh vực kinh tế khác nhau, trên cơ sở đó ban hành những chính sách, luật pháp, cơ chế hành động cụ thể. Tuy nhiên, trong mọi trường hợp, trước khi tiến hành tái cơ cấu nhất thiết phải thấu hiểu được “tâm bệnh” và “bạo bệnh” của chủ thể để “kê đơn, bốc thuốc” cẩn trọng, chính xác.

Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại là một trong những trọng tâm chính sách được dư luận đặc biệt quan tâm trong thời gian qua. Song, trên lĩnh vực phức tạp này, chúng ta mới chỉ chứng kiến những bước đi mang tính tình thế, chắp vá, bị động, và trên thực tế vẫn thể hiện sự lúng túng, mù mờ trong quá trình định hình rõ một chiến lược tổng thể nhằm cải tổ hoạt động ngân hàng. Nếu chỉ dừng lại ở việc hợp nhất/sáp nhập một số ngân hàng bị mất thanh khoản, âm vốn chủ sở hữu, hoặc tái cấu trúc bằng cách “thay thầy đổi chủ”, bơm thêm vốn điều lệ ở mức tối thiểu mà không thay đổi cơ bản về tư duy và cách thức phát triển thì sẽ không khắc phục được những ảnh hưởng bất lợi lâu dài đối với nền kinh tế. Về mặt chiến lược, trước hết cần khẳng định rằng, hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam phải thoát nhanh ra khỏi vũng lầy của tình trạng phân tán, nhỏ lẻ, mất kỷ cương kỷ luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, năng lực quản trị chiến lược và quản trị rủi ro yếu kém. Hiện nay, chỉ riêng việc cạnh tranh lãi suất tiền gửi, vẫn đang diễn ra tình trạng vi phạm pháp luật nghiêm trọng, vượt trần khá phổ biến, nhưng hầu như NHNN không có giải pháp nào để kiểm soát tình hình.

Theo cách diễn đạt của ông Keith Pogson, CEO dịch vụ tài chính ngân hàng của Ernst & Young châu Á – Thái Bình Dương, vấn đề của Việt Nam nằm ở chỗ có quá nhiều ngân hàng nhỏ, thiếu tính chuyên nghiệp, trong khi chưa có tổ chức nào đủ lớn để dẫn đầu thị trường. Chiến lược phát triển vì vậy cần minh định rõ nhu cầu phát triển số lượng ngân hàng ở Việt Nam, công bố rõ mức vốn điều lệ đủ lớn để có thể tạo ra sức bật cho nhu cầu thị trường về mua bán/ sáp nhập trên lĩnh vực ngân hàng, mô hình quản trị hiện đại cần hướng đến, sớm ban hành và áp dụng điều luật phá sản đối với những ngân hàng lâm vào tình trạng mất thanh khoản kéo dài… Trong Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), trọng tâm là tập đoàn và tổng công ty Nhà nước mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt gần đây cũng thể hiện khá rõ “tư duy ngắn hạn” trong cải cách khi đặt ra lộ trình cho giai đoạn từ 2012 – 2015. Theo đó, DNNN được phân thành 3 nhóm để xử lý: Nhà nước nắm giữ 100% vốn, trên 50% vốn, và các đơn vị thua lỗ kéo dài cần bán vốn... Trong khi đó, để cải tổ căn bản lĩnh vực quan trọng này thiết nghĩ cần phải tiến hành đồng bộ những thay đổi về thể chế chính trị, luật pháp, kinh tế; trên hết cần rút ra những bài học của lịch sử, nếu không nền kinh tế sẽ có nguy cơ tiếp tục bị sa lầy vì những sai lầm chiến lược và tư duy đổi mới nửa vời.

Việc tái thành lập Ban Kinh tế Trung ương là tín hiệu mới cho thấy sự quyết tâm của Đảng và Nhà nước nhằm lập lại trật tự và hiệu quả trong định hướng đường lối chỉ đạo đổi mới kinh tế. Ban Kinh tế Trung ương sẽ giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư nắm tình hình, kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghị quyết, chủ trương của Đảng về đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, sắp xếp, đổi mới, tái cấu trúc các tập đoàn kinh tế và tổng công ty Nhà nước, hệ thống ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nhanh, bền vững theo chương trình, kế hoạch và phân công của Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Dư luận hy vọng những chủ trương này sẽ nhanh chóng được hiện thực hóa, sớm đi vào cuộc sống, để “tái cơ cấu” sẽ không còn là mỹ từ hoặc thời thượng nữa…

TÂM DÂN
 

;
.
.
.
.
.