.

Bình ổn thị trường

Tới thời điểm này có thể khẳng định, sự ổn định của thị trường hàng hóa, dồi dào về số lượng, đa dạng về chủng loại đã đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong dịp Tết vừa qua. Trong đó, đáng chú ý là hiện tượng đầu cơ, găm hàng gây sốt giá đã không xảy ra dù đâu đó vẫn còn tình trạng mất cân đối về giá do tư thương chi phối trong đợt cao điểm Tết. Ngay cả sau Tết, hàng hóa cung ứng ra thị trường với khối lượng ổn định, giá cả vẫn không “lên cơn” như mọi năm.

Phải nói rằng, để có một cái Tết ổn định như năm nay, thành phố đã triển khai nhiệm vụ cụ thể đến từng sở, ngành từ rất sớm. Nhiều năm rồi, bình ổn thị trường vẫn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành thương mại. Đó là nhiệm vụ thường niên nhưng không phải năm nào cũng giữ vững được sự ổn định, nếu không có sự nỗ lực của các ngành, sự phối hợp nhịp nhàng từ lực lượng chức năng. Từ trước đó gần nửa năm, Sở Công thương thành phố được giao nhiệm vụ rà soát lại nguồn cung, xây dựng kế hoạch cung ứng hàng hóa trước và sau Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013 bảo đảm đủ, kịp thời các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, chất đốt, lương thực, thực phẩm, gia súc, gia cầm, rau củ quả…

Nhận định về sự khó khăn của nền kinh tế trong nước ảnh hưởng đến sức mua của người dân, vì thế, hệ thống các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng bán lẻ trên địa bàn Đà Nẵng đã vào cuộc từ rất sớm, nhằm níu chân người tiêu dùng trong bối cảnh nhà nhà thắt chặt chi tiêu. Không chỉ giá cả hàng hóa trong siêu thị ổn định, bảo đảm chất lượng, 85 chợ truyền thống của thành phố cũng góp phần làm tăng sức cạnh tranh trên tất cả các mặt. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đầu mối và bán lẻ tham gia chương trình dự trữ hàng hóa với hơn 600 tỷ đồng giá trị hàng dự trữ thiết yếu như gạo, thịt, bánh kẹo, thực phẩm… Thành phố đã tổ chức nhiều hoạt động kinh doanh phong phú thu hút người tiêu dùng như tổ chức các Hội chợ Xuân ở thành phố, tổ chức các phiên chợ hàng Việt, các chuyến hàng lưu động về nông thôn và nhiều chương trình khuyến mại… Hầu hết các doanh nghiệp đều tổ chức tăng thêm mạng lưới, mở thêm điểm bán hàng đến các khu dân cư, các huyện ngoại thành, vùng sâu, vùng xa. Việc đóng cửa đến tận ngày cuối cùng của năm và mở cửa từ ngày mồng 2, mồng 3 Tết đã giúp người dân thuận tiện hơn trong vui chơi và mua sắm. Cũng thật đáng mừng, trước và sau Tết Nguyên đán, thành phố không xảy ra đốt pháo, không xảy ra ngộ độc thực phẩm, buôn bán hàng cấm. Các sai phạm trong đăng ký kê khai, niêm yết giá, nhãn mác được xử lý khá triệt để.

Một cái Tết yên bình trôi qua, không dừng lại ở những kết quả đã nói, bởi sau Tết Nguyên đán là thời điểm nhiều lễ hội diễn ra tại các địa phương. Đó cũng là lúc thị trường lợi dụng để biến động. Trong ngày gặp mặt đầu năm, lãnh đạo ngành Công thương yêu cầu lực lượng quản lý thị trường thành lập các tổ kiểm tra liên ngành để đầu tuần tới bắt tay vào nhiệm vụ tăng cường bám sát địa bàn, không để các đối tượng buôn lậu lợi dụng thời cơ. Đồng thời, làm tốt công tác tuyên truyền đối với các hộ kinh doanh dịch vụ như không tăng giá hàng hóa, hàng hóa phải bảo đảm chất lượng; các cơ sở lưu trú đã chuẩn bị sẵn sàng cho lễ hội pháo hoa phải đăng ký công khai bảng giá…

Sau một thời gian nghỉ ngơi dài, người dân Đà Nẵng lại bắt tay vào công việc của mình, không chỉ riêng Tết này, những ngày sắp tới, người Đà Nẵng vẫn mong có được sự ổn định về thị trường, giảm bớt nỗi lo về gánh nặng kinh tế trên vai.

HỒNG ANH

;
.
.
.
.
.