.

Chân lý không đơn độc

Triển lãm các tư liệu lịch sử và bản đồ khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Trường Sa, Hoàng Sa do UBND huyện đảo Hoàng Sa, thành phố Đà Nẵng lần đầu tiên tổ chức đã khép lại với thành công và tiếng vang lớn trong và ngoài nước hơn cả mong đợi.

Theo thống kê của Bảo tàng Đà Nẵng, có hơn 4.000 lượt người đã đến xem triển lãm, trong đó có gần 300 trong số 1.200 lượt người nước ngoài đã đến xem là người Trung Quốc. Nội dung và hình ảnh tư liệu, bản đồ khẳng định chủ quyền Việt Nam đối với Trường Sa, Hoàng Sa được các cơ quan báo chí trong nước chuyển tải đến hàng triệu độc giả trong và ngoài nước. Sự kiện lần đầu tiên triển lãm chủ quyền Hoàng Sa đã đạt được mục tiêu: giới thiệu, quảng bá lịch sử hình thành chủ quyền của Việt Nam đối với Trường Sa, Hoàng Sa qua các thời kỳ một cách hòa bình, không có tranh chấp và là quốc gia duy nhất. Cuộc triển lãm đã góp phần nâng cao ý thức bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ trong các tầng lớp nhân dân, nhất là lớp trẻ qua đây đã hình thành trong tư tưởng một nhận thức: Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam!

Chân lý ấy là bất di bất dịch, lịch sử không thể đổi trắng thay đen. Dù cuộc đấu tranh gian truân nhưng một ngày Hoàng Sa sẽ được trả về cho Việt Nam, những suy nghĩ, ý kiến lưu lại trong sổ ghi cảm tưởng nói lên điều đó. Ngay cả những du khách nước ngoài khi đến xem triển lãm cũng bày tỏ ủng hộ quan điểm này.

Tổ chức triển lãm chủ quyền Hoàng Sa cũng là một hình thức đấu tranh bảo vệ chủ quyền của Việt Nam. Và rõ ràng cuộc đấu tranh một cách hòa bình của Việt Nam để giành lại Hoàng Sa không đơn độc.

Báo chí quốc tế đã đăng tải lại những thông tin của báo chí Việt Nam về sự kiện này. Báo chí Mỹ (Đài Tiếng nói Hoa Kỳ, Tạp chí Christian Science Monitor) cũng đã thực hiện phỏng vấn ông Trần Thắng đang định cư tại Mỹ, người đã có công sưu tầm tư liệu và bản đồ của Trung Quốc và các nước phương Tây vẽ từ năm 1626-1980 tặng thành phố Đà Nẵng. Sức lan tỏa của sự kiện triển lãm chủ quyền Hoàng Sa của thành phố Đà Nẵng và những sự kiện liên quan không còn bó hẹp trong phạm vi quốc gia mà đã vươn ra cộng đồng quốc tế. Thực tế đã có những học giả nước ngoài am hiểu lịch sử, yêu chuộng hòa bình, chân lý đã lên tiếng ủng hộ Việt Nam.

Sau sự kiện này càng cho thấy những tư liệu lịch sử và bản đồ do huyện đảo Hoàng Sa sưu tầm, do những người Việt Nam đang đau đáu với Trường Sa, Hoàng Sa hiến tặng là vô cùng giá trị. Chúng là bằng chứng lịch sử hùng hồn chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với Trường Sa, Hoàng Sa hàng trăm năm qua. Đây cũng là sự thật, chân lý hiển nhiên phủ nhận những tuyên bố gần đây về cái gọi là “chủ quyền không thể tranh cãi đối với Nam Sa, Tây Sa” (cách gọi Trường Sa, Hoàng Sa của Trung Quốc) của Trung Quốc. Giá trị của chúng tăng lên mỗi lần được giới thiệu, quảng bá đến công chúng trong và ngoài nước. Nhân dân ta và nhân dân thế giới, trong đó có nhân dân Trung Quốc phải được biết sự thật này, chân lý này.

Vì thế, cần phải sử dụng một cách có hiệu quả để phát huy và nhân lên giá trị của những tư liệu lịch sử này. Đây cũng là một cách hay nhằm khơi dậy, giáo dục lòng yêu nước, nuôi dưỡng ý thức bảo vệ Trường Sa, Hoàng Sa của các thế hệ người Việt Nam. Mặt khác, cách làm này sẽ tranh thủ được sự đồng tình của nhân dân thế giới ủng hộ sự nghiệp đấu tranh bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ mà trong lịch sử nhân dân Việt Nam đã từng làm.

HOÀNG ANH

;
.
.
.
.
.