.

Chia sẻ với nông dân

Báo Đà Nẵng ngày 21-2 đăng bài “Đắng lòng vụ hoa Tết” phản ánh tình trạng người trồng hoa thất thu trong vụ hoa Tết vừa qua. Ngày ươm cây, gieo hạt, người trồng hoa hy vọng bao nhiêu thì đến thời điểm chuyển giao năm mới, họ thất vọng bấy nhiêu. Loại nông sản có tính đặc thù này tốn không ít vốn liếng, dày công chăm sóc 4-5 tháng, bị cơn bão thị trường dập vùi đến thảm hại.

Gần giao thừa, không ít người trồng hoa đành ngậm ngùi phá bỏ hàng trăm chậu cúc rất đẹp chỉ vì không tiêu thụ được. Nhưng cũng có người để nguyên cây hoa như vậy trở về đón năm mới trong nỗi buồn chán và thất vọng ê chề, để rồi số hoa đó vẫn thản nhiên khoe sắc vào sáng mồng 1 Tết nhưng trở nên vô thừa nhận. Thậm chí, sau Tết nhiều ngày, cả vườn hoa cúc vẫn vàng rực, nhưng không ai đoái hoài, ít ngày sau cứ thế lụi tàn.

Trời vẫn yên, gió vẫn lặng, nhưng đời sống của hàng trăm hộ trồng hoa Tết như có bão dữ tràn qua. Nhiều gia đình, dù phải phá bỏ hàng trăm chậu cúc đẹp, nhưng vẫn không dành vài chậu chưng ở hiên nhà. Tết Nguyên đán đối với họ thật nặng nề và chật vật. Đây là lần đầu tiên kể từ trước đến nay người trồng hoa Đà Nẵng hái quả đắng từ vụ hoa Tết như vậy.

Thật ra, không phải loại hoa nào cũng ế ẩm trong dịp Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013. Nhiều loại như ly ly, mai, đồng tiền, cẩm chướng, tulip… vẫn được giá, bán chạy và chỉ rớt giá chút đỉnh vào thời điểm sát giao thừa. Chỉ có hoa cúc và vạn thọ trồng chậu khó bán và rớt giá thê thảm. Đơn giản vì các loại hoa này quá nhiều, cung vượt cầu, để rồi theo quy luật nghiệt ngã của thị trường, trở nên ế ẩm, dư thừa.

Từ vụ hoa Tết vừa qua, chắc chắn nhiều bài học về sản xuất nông sản, nhất là trồng các loại hoa, cây cảnh đáp ứng nhu cầu thị trường Tết rất cần thiết phải đặt ra. Trước hết, người trồng hoa không thể cứ đua nhau trồng một loại đã quá quen thuộc và phổ biến. Nhu cầu thưởng thức hoa Tết của người dân liên tục thay đổi và có xu hướng tìm mua các loại mới lạ, hấp dẫn. Trong vụ hoa Tết năm ngoái ở thôn Vân Dương 1 (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang), chỉ 30 hộ trồng hoa cúc chậu và có vụ bội thu. Thế nhưng, số hộ trồng hoa và sản lượng vụ hoa Tết năm nay tăng gấp 3 lần, trong khi nhu cầu thị trường không tăng thì thua lỗ là điều tất yếu.

Qua đây, cơ quan chức năng, cụ thể là ngành Nông nghiệp và Hội Nông dân cần định hướng cho nông dân chọn loại hoa để gieo trồng. Bên cạnh đó, việc quy hoạch từng vùng hoa trồng các loại khác nhau cũng vô cùng cần thiết.

Với người trồng hoa, để sản phẩm của mình không bị người tiêu dùng quay lưng, có lẽ bước đầu tiên phải là điều tra và nghiên cứu, nắm bắt nhu cầu thị trường thật cặn kẽ, chu đáo trước khi trồng.  Ngành chức năng có thể tổ chức hội thảo để nông dân các vùng bàn thảo với nhau và phân bố loại hoa phù hợp, tránh đua nhau trồng cùng một loại, đồng thời chuyển giao các loại hoa cao cấp, mới lạ về trồng.

Vụ hoa Tết năm nay thua lỗ một phần do đời sống, thu nhập của phần lớn nhân dân suy giảm, nhu cầu về hoa không lớn. Tuy vậy, hoa, cây cảnh Tết vẫn là thứ không thể thiếu được. Dù vụ hoa Tết này bị thất bát, thua lỗ nặng, nhưng việc trồng hoa vẫn phải được duy trì và đẩy mạnh. Đây cũng là một trong các nội dung của chương trình xây dựng nông thôn mới. Vấn đề quan trọng nhất lúc này là sự thua lỗ của nông dân rất cần được các cấp, các ngành chia sẻ và hỗ trợ kịp thời…

NGUYỄN CẦU
 

;
.
.
.
.
.