Dù năm qua đi đâu cũng nghe khó khăn, khủng hoảng, thâm hụt tiền bạc, nhưng đến cuối năm, đặc biệt là những ngày giáp Tết, không khí tặng quà cho người nghèo vẫn diễn ra sôi nổi khắp nơi. Tưởng việc vận động các nhà hảo tâm ủng hộ người nghèo ăn Tết sẽ gặp khó, nhưng đến thời điểm này có thể thấy những người bất hạnh, có hoàn cảnh khó khăn từ già đến trẻ, từ nội thành đến ngoại thành đều được nhận quà kèm tiền mặt gọi là tạm trang trải một số thứ trong 3 ngày Tết. Các phần quà tuy không “nặng ký” hơn năm ngoái, nhưng chí ít cũng có giá trị tương đương với những đợt tặng trước đây.
Điều này càng khẳng định hoạt động từ thiện thật sự không phải là phong trào hay cách đánh bóng tên tuổi cho tổ chức, cá nhân nào đó, mà việc làm này đã trở thành nếp sống, một hành động tự nguyện và tự nhiên. Cảm giác như khó mấy thì những nhà hảo tâm cũng cố đóng góp ít nhiều cho người nghèo vui xuân, nếu không, bản thân họ sẽ thấy một năm làm việc không trọn vẹn bởi thiếu thiếu cái gì đó. Giống như quy định bất thành văn mà các mạnh thường quân tự đặt ra cho mình: cuối năm sẽ dành một phần của cải làm việc thiện, như giúp người nghèo ăn Tết đủ đầy hơn.
Cũng từ sự rộng lòng trong lúc khó mà rất nhiều người nghèo được nhờ. Nhiều người đi nhận quà đến từ rất sớm, hồi hộp chờ đợi gọi tên mình. Có người vì bận công chuyện nên nhờ người quen đi nhận giúp.
Hầu hết những người chúng tôi gặp dịp Tết năm nay đều thuộc đối tượng nghèo, năm nào cũng được nhận quà Tết. Ấy vậy mà cầm trên tay tờ giấy mời, họ vẫn cứ run run, hồi hộp và rón rén xếp hàng.
Năm nay, việc phát quà ở nhiều nơi được tổ chức bài bản, trật tự hơn. Dù lượng người đến nhận lên tới hàng trăm, nhưng không có cảnh chen chúc, ồn ào như các năm trước. Một số nơi “cải cách” thủ tục để tránh việc nhận nhầm, trao nhầm đối tượng. Tuy nhiên, một vài sự đổi mới lắm khi lại gây rườm rà. Cụ thể, có nơi gọi từng nhóm lên sân khấu để thu giấy mời, ký tên (lăn tay với người không biết chữ) tại chỗ rồi trao quà giống kiểu tiền trao cháo múc. Ngoài mỗi việc giữ được trật tự thì cách làm này gây mất quá nhiều thời gian và có cảm giác như đang chứng kiến một cuộc mua bán gì đó hơn là sự trân trọng. Có nơi, người nhận phải mang theo cả hộ khẩu và chứng minh nhân dân mới đủ giấy tờ hợp lệ để nhận quà. Một bác ở khá xa phải lặng lẽ ra về chỉ vì có giấy mời nhưng thiếu các “hồ sơ” còn lại.
Thay đổi để công việc diễn ra tốt đẹp hơn là điều nên làm. Tuy nhiên, cần “cải cách” thế nào để ý nghĩa của việc tặng quà càng được tôn vinh, trân trọng. Làm sao để mọi việc trở nên đơn giản nhất, thuận tiện nhất với người được trao (người nghèo), và làm sao cho người nghèo thấy vui sướng thay vì lăn tăn cảm xúc chạnh lòng.
Đặc biệt, trong giai đoạn có “của cho” đã không dễ thì càng phải nghĩ nhiều về “cách cho”. Trách nhiệm này hơn ai hết thuộc về những nhà tổ chức chương trình, vốn được xem là chiếc cầu nối giữa các mạnh thường quân và người nghèo, bất hạnh. Mong sao những “chiếc cầu nối” ấy sẽ không chỉ hoàn thành công việc chuyển các món quà yêu thương, mà còn giúp cho cả người tặng và người nhận đều cảm thấy hài lòng, hạnh phúc.
THU HOA