Ánh mắt rạng ngời, nụ cười hồn hậu, trong sáng là những gì người ta thấy trên gương mặt của hàng trăm cư dân địa phương và du khách tham dự Lễ hội đình làng Túy Loan ngày 19-2. Ngay cả trong những cuộc đua, cuộc thi, như đua thuyền, thi nướng bánh tráng, gói bánh tét… được tổ chức tại lễ hội, người dự thi lẫn người cổ vũ đều tham gia với sự nỗ lực, tinh thần đoàn kết, bảo đảm công bằng. Tuyệt đối không chen lấn, xô đẩy, gây gổ, hay ganh đua chao chát…
Có lẽ những người con của Túy Loan khi dự lễ rước sắc thần bằng di tích, lễ tế tiền hiền, tống long chu, đến nghinh sắc, dâng lễ vật, dâng hương… cảm thấy tĩnh tâm để ngưỡng vọng công đức của các bậc tiền nhân và cùng chiêm nghiệm đạo lý “uống nước nhớ nguồn” bao đời của cư dân Việt. Lễ hội là dịp để lòng người lắng lại, gạt bỏ những lo toan, tất bật, xa cách hơn với những xô bồ, đua chen của cuộc mưu sinh thường nhật; chỉ còn lại niềm tự hào nguồn cội, giống nòi, tự hào về truyền thống văn hóa lâu đời của làng, nước.
Cũng như các địa phương khác trên cả nước, lễ hội được tổ chức thường niên, bắt đầu từ Tết hoặc sau Tết Nguyên đán, qua đó xác tín khuynh hướng tìm về nguồn cội và văn hóa tâm linh, đồng thời phản ánh nhu cầu, tình cảm của người dân địa phương. Trước Lễ hội đình làng Túy Loan - khởi đầu cho những lễ hội sau đó trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, không phải không có những quan ngại về sự lộn xộn, cảnh chen lấn, xô đẩy để tranh giành ân sủng của thánh thần, hay tình trạng “chặt”, “chém”, giá dịch vụ được đẩy lên cao… như từng xảy ra ở các tỉnh phía Bắc. Tuy nhiên, những gì diễn ra mang lại niềm vui và niềm tin về cách ứng xử đúng mực của người Đà Nẵng với văn hóa tâm linh tại lễ hội.
Mới đây, câu chuyện tượng Phật chùa Bái Đính (ở xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình), bị du khách ép nhận tiền; hay sự bát nháo ở lễ hội chùa Hương; chuyện rải tiền tràn lan ở các đền, chùa ở phía Bắc đã gây bức xúc cho dư luận. Nhiều người đi lễ còn nhét tiền vào tay tượng Phật, gốc cây, ném tiền xuống suối với hy vọng được trời phật phù hộ mà không hiểu rằng, tâm thành cao hơn lễ lớn. Điều đáng nói là tình trạng lộn xộn trên diễn ra nhiều năm nay và năm nào những hình ảnh không đẹp mắt đó cũng lặp lại.
Vấn đề đặt ra là phải ứng xử như thế nào để văn hóa tâm linh không bị méo mó và để lưu giữ nét đẹp văn hóa đặc thù của mỗi lễ hội, mỗi địa phương, mỗi vùng, miền. Hội nghị trực tuyến về công tác tổ chức quản lý, lễ hội năm 2012 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2013 do Bộ VH-TT&DL tổ chức vào giữa tháng 1 vừa qua đề cập đến việc cần tổ chức lễ hội một cách lành mạnh, tiết kiệm, bài trừ hủ tục mê tín dị đoan, chống thương mại lễ hội… Bắt đầu mùa lễ hội năm nay, không những lễ hội đình làng Túy Loan mà những lễ hội khác sắp diễn ra ở Đà Nẵng được kỳ vọng đi theo phương châm đó, để hướng đến mùa lễ hội “sạch”, bởi thành phố bên sông Hàn được cả nước biết đến với chương trình “3 có”, trong đó có nếp sống văn minh đô thị.
THANH TÂN