Sau 9 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Quý Tỵ, nhiều tờ báo đã làm nóng sự kiện “cướp hoa” trên đường hoa Bạch Đằng, thành phố Đà Nẵng. Mới nghe mà giật mình: Sao lại có chuyện lạ như vậy ở “thành phố đáng sống” đang thực hiện chương trình “3 có”, trong đó có nếp sống văn minh? Bình tĩnh lại thì hóa ra không phải như thế. Suy xét kỹ thì thực chất việc người dân thấy Ban tổ chức tháo dỡ đường hoa, đến xin tận dụng lại những cây hoa được một số báo đẩy lên thành sự kiện “cướp hoa” (!?).
Có thể thấy ngay sự vô lý của sự kiện “cướp hoa” ở chỗ tại sao nó không xảy ra vào thời điểm đã hoàn thành công tác trang trí đường hoa Bạch Đằng trước Tết. Quan sát đường phố Đà Nẵng những ngày giáp Tết Quý Tỵ cho thấy thị trường hoa Tết rất dồi dào đến mức cung vượt cầu. Vậy hết Tết rồi có cần phải đi “cướp hoa” không?
Rất nhiều người dân cũng như du khách đến Đà Nẵng trong dịp Tết đã trầm trồ khi thưởng thức đường hoa Tết lần đầu tiên được tổ chức bằng nguồn kinh phí xã hội hóa. Trong suốt thời gian nghỉ Tết, đường hoa Bạch Đằng được người dân, du khách và lực lượng bảo vệ trân trọng gìn giữ, không ai bứt một nhành hoa hay có hành vi phá hoại, đạp lên hoa để chụp ảnh, dù có sự hiện diện của lực lượng bảo vệ hay không. Điều này hoàn toàn khác với sự kiện “giày xéo hoa”, “cướp hoa” từng xảy ra ở địa phương khác ngay trong ngày khai mạc.
Phải thừa nhận là có xảy ra lộn xộn khi Ban tổ chức tiến hành tháo dỡ đường hoa Bạch Đằng, một số người dân yêu hoa tiếc của, xin lại để tận dụng những cây hoa ngắn ngày còn dùng được. Ngay cả những công nhân tháo dỡ hoa cũng tham gia hướng dẫn người xin hoa chọn cây đẹp. Xét cho cùng, người dân xin hoa cũng góp phần giúp công nhân dọn dẹp nhanh, giải phóng lòng đường để giao thông thông thoáng. Tuy nhiên, một số người đã tỏ ra thái quá và Ban tổ chức đường hoa Bạch Đằng cũng cần rút kinh nghiệm về việc tiến hành tháo dỡ đường hoa sau Tết, tránh tập trung đông người gây ách tắc giao thông, làm lực lượng bảo vệ vất vả hơn trong việc giải tỏa đám đông dưới lòng đường.
Chính quyền Đà Nẵng và các ngành, các địa phương của thành phố đã nỗ lực chuẩn bị chu đáo để bảo đảm an sinh, an ninh trật tự, làm sạch, đẹp thành phố nhằm mang đến một mùa xuân an bình, ấm áp cho mọi người, mọi nhà. Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013 có thể nói là cái Tết đủ đầy và bình yên nhất từ trước đến nay ở thành phố bên sông Hàn.
Vậy nên, việc tạo sự kiện “cướp hoa” sau Tết tại đường hoa Bạch Đằng chỉ là cách nhìn một chiều, áp đặt của cá nhân một vài phóng viên và một vài tờ báo điện tử có ý định câu kéo độc giả mà thôi. Hàng ngàn bình luận phản đối thông tin trên một số tờ báo về cái gọi là “cướp hoa” ngay lập tức xuất hiện trên các trang mạng xã hội, trong đó có ý kiến của chính “người trong cuộc” - những người xin hoa, của người dân thành phố và người dân ở hai đầu đất nước lẫn du khách đến Đà Nẵng trong những ngày Tết vừa qua. Hầu hết các ý kiến phản đối đều tỏ ra bức xúc, thậm chí còn “đòi làm cho ra lẽ” vì đã xúc phạm “thành phố đáng sống” và người dân Đà Nẵng vì đấy không thể gọi là “cướp” hoa. Ngày 18-2, trên Báo Lao động Điện tử đăng tải bài viết kèm hai hình ảnh minh họa người dân Đà Nẵng ôm hoa về nhà với chú thích đấy là những hình ảnh đáng yêu hơn gọi là “cướp hoa”!
Hoa là biểu tượng của vẻ đẹp và mọi hành xử với hoa cũng phải đẹp. Qua câu chuyện này, có nhiều điều cần phải rút ra, không chỉ đối với một số người dân yêu hoa tiếc của mà cả đối với giới truyền thông và đơn vị tổ chức.
ĐAN LÊ