Cả năm 2012, tỷ giá điều hành và tỷ giá thị trường (USD/VND) gần như rất ổn định, xoay quanh mốc 20.800 - 20.850 đồng. Thành công về mặt kiểm soát tỷ giá đã tiếp sức khá tốt cho chủ trương kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.
Tuy nhiên, những ngày sau Tết Nguyên đán Quý Tỵ, tỷ giá có dấu hiện biến động khá mạnh, tại một số điểm nóng về thị trường chợ đen tỷ giá đã vượt qua cột mốc 21.000 đồng (+0,7%). Những phát biểu chính thức gần đây trên các phương tiện thông tin đại chúng về khả năng phá giá đồng tiền Việt Nam lại được xới lên, nhiều khi cũng là nguyên nhân tâm lý quan trọng góp phần gây biến động bất lợi về tỷ giá.
Xét về mặt dữ liệu lịch sử, cùng thời điểm Tết năm ngoái, tỷ giá USD/VND tháng 1-2012 tăng 2,62% so với cùng kỳ năm 2011, chỉ số giá vàng tăng 19,6%, trong bối cảnh nhập siêu của tháng đầu năm 2012 là 100 triệu USD. Trong khi đó, tỷ giá của tháng 1-2013 lại giảm 1,09% so cùng kỳ năm 2012, chỉ số giá vàng tăng 2,37%, đặc biệt mức xuất siêu cả tháng đạt khoảng 200 triệu USD. Trong điều kiện thị trường giá cả diễn biến bình thường, đây là một trong những minh chứng quan trọng hỗ trợ cho lập luận khả năng kiềm ổn tỷ giá là hoàn toàn khả thi. Tuy nhiên, một trong những “lỗ hổng” của chính sách điều hành đó là kéo dài tình trạng chênh lệch giá quá xa giữa giá vàng trong nước và quốc tế, mặc dù giá vàng quốc tế liên tục giảm nhưng giá vàng SJC vẫn neo ở mức cao, giá bán ra lên đến 45,17 triệu đồng/lượng, chênh lệch so giá thế giới hơn 5 triệu đồng? Không loại trừ đây là khả năng dẫn đến hiện tượng “đào hối” không có lợi cho nền kinh tế.
Những ý kiến đề xuất về việc nới lỏng hơn nữa tỷ giá để hỗ trợ xuất khẩu có thể khẳng định là thiếu khả thi trong bối cảnh hiện nay. Bởi lẽ, xét tổng thể, với trạng thái ổn định vĩ mô còn khá mong manh, tác động tâm lý thiếu bền vững, khả năng nhập siêu lớn, cộng thêm tình trạng độc quyền “tăng giá một chiều” của các mặt hàng chiến lược điện, xăng dầu... thì mọi động thái phá giá đồng Việt Nam trong lúc này hoàn toàn có khả năng dẫn đến bùng nổ lạm phát trở lại. Tình hình hiện nay đòi hỏi bên cạnh sự kiên định về mặt chính sách của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại cần chủ động tham gia bình ổn thị trường, đáp ứng đầy đủ, kịp thời các nhu cầu giao dịch ngoại tệ hợp pháp và hợp lý của khách hàng. Mặt khác, các cơ quan quản lý Nhà nước cần sớm triển khai những giải pháp mạnh để để xóa bỏ sự thao túng của thị trường phi chính thức, sau một thời gian im ắng nay có cơ may phục hồi hoạt động trở lại.
Tỷ giá là công cụ chủ chốt trong chủ trương chống “đô-la hóa” đã và đang được Ngân hàng Nhà nước triển khai những bước đi đúng hướng. Tuy nhiên, cần phải tiến hành đồng bộ với chính sách khả thi về hạn chế “vàng hóa” trong nền kinh tế. Thực tiễn điều hành cho thấy, Việt Nam từng thành công trong việc cách ly giá vàng ra khỏi tác động gia tăng áp lực lạm phát, nhưng đối với tỷ giá thì vẫn còn để ngỏ. Chỉ khi “cỗ xe song mã” này được kìm cương một cách nhất quán, có hiệu lực thì mới có thể hỗ trợ nền kinh tế đi vào quỹ đạo ổn định và tăng trưởng bền vững.
TÂM DÂN