.

Y đức giữa đời thường

Ở Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS thành phố, mỗi ngày y sĩ Bùi Ngọc Chương âm thầm tiếp xúc trực tiếp để tư vấn cho những bệnh nhân có HIV/AIDS. Chính y sĩ Chương đã mang lại niềm tin và hy vọng sống cho hàng trăm trường hợp có AIDS hoảng loạn, suy kiệt về tinh thần và ý chí, giúp họ tìm thấy ánh sáng để vượt lên chính hoàn cảnh éo le khi mang căn bệnh quái ác.

Trong khi đó, những bệnh nhân tuổi gần đất xa trời chữa bệnh tại Bệnh viện Điều dưỡng và Phục hồi chức năng Đà Nẵng cảm phục sự thầm lặng, đức hy sinh của nữ hộ lý Nguyễn Thị Thanh - người luôn xem bệnh nhân như cha, mẹ của mình. Ở Bệnh viện Đà Nẵng, bác sĩ Trần Đạt ngày ngày làm việc ở khoa Chẩn đoán hình ảnh vốn ảnh hưởng đến sức khỏe do phản xạ tia X từ hệ thống chụp, chiếu của những thiết bị chẩn đoán hình ảnh. Hàng chục ngàn bệnh nhân, trong đó có hàng ngàn ca bệnh trong cơn thập tử nhất sinh, được người bác sĩ lão luyện ấy chụp chiếu và chẩn đoán chính xác.

Đó là 3 trong số 20 gương thầy thuốc được trao tặng giải thưởng “Tỏa sáng Blouse trắng” do UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức lần đầu tiên vào dịp kỷ niệm kỷ niệm 58 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2-1955 - 27-2-2013).

Điều đáng quý, 20 cá nhân ấy không phải là cán bộ lãnh đạo, quản lý tại các bệnh viện, các cơ sở y tế mà là bác sĩ, y sĩ, kỹ thuật viên, điều dưỡng, nữ hộ sinh, hộ lý - những người trực tiếp khám chữa bệnh, tiếp xúc với bệnh nhân, chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Với sự tận tụy cùng tình yêu nghề, những con người bình dị ấy trở thành những bông hoa tỏa hương thơm ngát giữa đời thường và được tôn vinh trong toàn ngành y tế của thành phố.

Khi xã hội đắng lòng, nhức nhối vì những hành vi nạt nộ, thái độ nhũng nhiễu, cách cư xử ngày càng xa rời đạo đức cao đẹp của người thầy thuốc thì chính những con người bình dị ấy đã và đang chứng minh giá trị tốt đẹp của người thầy thuốc không hề phai nhạt, đồng thời cũng để thấy rằng những người đi ngược lại với lời thề Hypocrat, xem nhẹ thiên chức cứu người chỉ là những “con sâu làm rầu nồi canh” mà thôi!

Cũng vì trách nhiệm cao cả của y, bác sĩ là cứu người, cách đây tròn 58 năm, trong Thư gửi cán bộ y tế toàn quốc, Bác Hồ căn dặn: “…cán bộ y tế cần phải thương yêu, chăm sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình; coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn. Lương y phải như từ mẫu”. Trong suốt 58 năm qua, lời dạy của Bác trở thành phương châm hành động của các thế hệ thầy thuốc, các cán bộ, nhân viên ngành y tế.

Nhân kỷ niệm 58 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam, trong chuyến thăm đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ của các bệnh viện trên địa bàn thủ đô Hà Nội ngày 26-2, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Sức khỏe là vốn quý của con người. Nhân dân có sức khỏe tốt thì dân tộc ta mới phát triển trường tồn, đất nước mới cường thịnh. Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm và coi công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân là nhiệm vụ chiến lược quan trọng. Người thầy thuốc có vinh dự to lớn, nhiệm vụ vẻ vang nhưng hết sức nặng nề” càng minh chứng sự quan tâm, kỳ vọng của Đảng và Nhà nước đối với ngành y.

Có lẽ xã hội mong mỏi rất nhiều điều ở ngành y, chẳng hạn như khi viện phí tăng thì chất lượng khám, chữa bệnh cần tăng tương ứng, khi đời sống kinh tế khá hơn thì việc chăm sóc sức khỏe cũng cần được bảo đảm hơn… Nhưng hơn hết, người bệnh mong muốn ngoài vấn đề y đức, các bệnh viện không còn tình trạng quá tải, người bệnh không phải nằm ghép 2-3 người/giường và cũng tránh cảnh xếp hàng chờ đợi thường có ở các bệnh viện công.

VIỆT DŨNG

;
.
.
.
.
.