.

Bảo vệ ngư trường, bảo vệ ngư dân

Thông tin về tàu hải giám Trung Quốc không những xâm phạm trái phép chủ quyền lãnh hải nước ta tại khu vực Hoàng Sa mà còn ngang nhiên vây ráp, xua đuổi tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi vào sáng 13-3, khi các tàu này đang sản xuất bình thường tại ngư trường truyền thống của mình, đăng tải trên các phương tiện truyền thông đã gây phẫn nộ và lo lắng cho dư luận cả nước, nhất là ngư dân miền Trung. Hành động trắng trợn này báo hiệu bước leo thang nghiêm trọng của Trung Quốc trong mưu đồ độc chiếm Biển Đông, trước hết là đánh vào hoạt động khai thác hải sản của ngư dân ta.

Trên những con tàu bằng gỗ không lớn lắm, bao đời nay, các thế hệ ngư dân Việt Nam kiên cường bám biển, vừa khai thác hải sản, vừa bảo vệ chủ quyền lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc. Và chưa khi nào hoạt động sản xuất của họ gặp khó khăn, phức tạp như thời gian này, khi liên tục bị tàu Trung Quốc vô cớ vây ráp, xua đuổi. Giữa biển cả bao la, trong tay chỉ là tấm lưới để mưu sinh, liệu những ngư dân Việt chân chất, hiền lành làm được gì trước sự hung hãn của tàu nước ngoài?

Hơn lúc nào hết, nhân dân ta, đất nước ta phải nhận thức sâu sắc âm mưu thâm độc của Trung Quốc khi họ tăng cường kiểm soát, xua đuổi tàu cá của ngư dân ta khỏi các ngư trường truyền thống. Hai tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi bị xua đuổi vừa qua chỉ là sự báo hiệu của giai đoạn đối đầu hết sức cam go của ngư dân với tàu Trung Quốc ngay trên vùng biển Việt Nam. Không có giải pháp nào tốt hơn để bảo vệ ngư trường, bảo đảm sản xuất ổn định trên biển, bảo vệ chủ quyền lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc là các cơ quan hữu quan khẩn trương vào cuộc bảo vệ ngư dân. Bên cạnh việc đẩy mạnh đấu tranh qua đường ngoại giao, trên các phương tiện thông tin đại chúng, các tàu kiểm ngư, tàu cảnh sát biển tăng cường tuần tra tại vùng biển xa bờ, hỗ trợ ngư dân khi bị tàu nước ngoài trấn áp, xua đuổi.

Ngư dân rất cần điểm tựa bình yên mỗi khi sản xuất tại các ngư trường xa bờ. Điểm tựa ấy chính là đội tàu hộ tống của cảnh sát biển, của kiểm ngư... và các chính sách khả thi từ Nhà nước. Trước hết, cần coi hoạt động sản xuất tại vùng biển xa của ngư dân không đơn thuần chỉ là mưu sinh mà quan trọng hơn là bảo vệ ngư trường, bảo vệ chủ quyền lãnh hải. Và như vậy, cần có chế độ, chính sách thỏa đáng cho đội ngũ ngư dân kiên cường bám biển. Những tàu có nhiều chuyến biển tại các ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa cần được ghi nhận và khen thưởng xứng đáng. Sự mất mát, thiệt hại do tàu nước ngoài gây ra cần được hỗ trợ kịp thời. Đồng thời, cơ quan chức năng cần mở các lớp tập huấn cho ngư dân về các giải pháp đối phó với những tình huống bị tàu nước ngoài vô cớ xua đuổi, vây ráp, thậm chí bị bắt bớ, tịch thu tài sản…

NGUYỄN CẦU
 

;
.
.
.
.
.