Không ít lần hội nghị về liên kết các tỉnh, thành phố duyên hải miền Trung được đặt ra nhưng rồi sau đó, vấn đề phát triển kinh tế vùng vẫn là thách thức không nhỏ đối với các lãnh đạo, các nhà hoạch định chính sách trong nước.
Hội nghị Xúc tiến đầu tư vùng duyên hải miền Trung diễn ra tại Đà Nẵng lần này chính là một cơ hội nữa để lãnh đạo 9 tỉnh, thành phố ngồi lại với nhau. Từ đó, những hạn chế khúc mắc bấy lâu nay được đem ra mổ xẻ, phân tích dưới cái nhìn khách quan và công bằng.
Thời gian qua, tình trạng mỗi địa phương tự quy hoạch, tự đưa ra những chính sách ưu đãi của riêng mình, chồng chéo lẫn nhau, thậm chí cạnh tranh không lành mạnh. Chính vì mạnh ai nấy làm, không có một chính sách chung nên vô hình trung tạo ra làn sóng thu hút đầu tư cục bộ, mới nhìn thì thấy có lợi ở thời điểm nhất định, nhưng khi nhìn toàn cục, cách làm này đang đẩy các địa phương vào thế cô lập. Các chuyên gia nghiên cứu kinh tế trong nước từng chỉ ra liên kết - hợp tác mới là sức mạnh để kích thích toàn vùng cùng phát triển. Như vậy, đây là lúc chính quyền các tỉnh, thành phố phải thống nhất liên kết, nhằm chia sẻ, phân công nhau khai thác những lợi thế hiện có và nhất là phải xác lập một khu vực chung có thể hỗ trợ nhau về thế đứng.
Khẩu hiệu đó, theo TS Trần Du Lịch, chúng ta không chỉ dừng lại ở sự hô hào mà phải biến nó thành hành động cụ thể. Môi trường đầu tư vùng duyên hải miền Trung được nhìn nhận có nhiều tiềm năng.
Tuy nhiên, để có thể biến tiềm năng thành lợi thế kinh tế trong cạnh tranh, trước hết cần phát triển theo quy mô vùng, đầu tư có trọng điểm, hình thành những cụm liên kết sản xuất; đồng thời tạo ra sự đột phá về chính sách, dịch vụ hành chính công, kết cấu hạ tầng để trở thành địa bàn đầu tư tiềm năng của cả nước.
Tiềm năng, lợi thế thì ai cũng thấy nhưng để kéo nhà đầu tư về vùng hẳn không phải là chuyện ngày một ngày hai. Có lẽ không ai thẳng thắn như các nhà đầu tư, bởi hơn ai hết chính họ đã nhìn thấy mối quan hệ khăng khít của các nhà lãnh đạo 9 tỉnh, thành phố thể hiện ở hội nghị này. Một nhà đầu tư Nga khi nghe lãnh đạo các địa phương giới thiệu “bức tranh sáng” của vùng thì thốt lên: “Đã đến lúc cần giới thiệu khu vực này với nhà đầu tư chúng tôi bằng mọi hình thức, kể cả sân chơi song phương và đa phương”. Song, không ít nhà đầu tư nước ngoài chỉ ra những trở ngại khi đầu tư vào vùng như cơ sở hạ tầng, sự thiếu cân bằng trong phát triển giữa các khu vực, các chính sách phát triển giao thông…
Khi vấn đề hợp tác, liên kết và đầu tư thông suốt, một trong những trăn trở từng được các tỉnh, thành phố miền Trung đặt ra là cần có một ban điều phối, điều hành vùng để làm “nhạc trưởng” thì nay ý tưởng đó đã thành hiện thực. Vùng duyên hải miền Trung đã có Ban điều phối chuyên trách theo dõi, phát triển vùng một cách khoa học, sâu sát và khách quan. Trên tinh thần đó, với vai trò và trách nhiệm của mình, chỉ cần các nhà đầu tư cần gì, Ban điều phối sẽ định hướng và phân bổ có hiệu quả các dự án, đem lại lợi ích cho toàn vùng. Đó chính là sự kỳ vọng không chỉ đối với các tỉnh, thành phố mà cho cả các nhà đầu tư đang rất quan tâm.
DUYÊN ANH