Để tránh việc vỡ quỹ lương hưu, Bộ LĐ-TB&XH đưa ra đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động (cả nam và nữ) có trình độ chuyên môn cao, người làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt thêm 5 năm so với quy định hiện nay, áp dụng từ ngày 1-1-2014. Đề xuất này đang nhận được những ý kiến trái chiều.
Những ý kiến khác nhau tại các hội thảo do Bộ LĐ-TB&XH hay Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức thời gian qua, hay trên các diễn đàn mạng xét về nhiều phương diện đều có lý. Việc đặt vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu để tận dụng chất xám, thực hiện bình đẳng giới…, hay những quan ngại về khả năng có lợi ích nhóm, giảm cơ hội cống hiến của lớp trẻ… cũng cần được xem xét kỹ.
Với những người có trình độ chuyên môn cao, những người có học vị tiến sĩ; học hàm giáo sư, phó giáo sư làm việc đúng chuyên ngành; hoặc những nhà khoa học cần thêm thời gian để cống hiến thì nên tăng tuổi nghỉ hưu. Với những người làm việc trong điều kiện độc hại, công việc nặng nhọc hoặc làm việc hành chính nhưng muốn nghỉ ngơi, hưởng thụ cuộc sống, chăm sóc gia đình thì việc kéo dài thời gian làm việc là điều họ không mong muốn và không nên làm. Đó là chưa nói điều này sẽ tạo sức ép đối với xã hội và sức ì lớn đối với sự phát triển. Trong khi đó, lực lượng trẻ năng động, có năng suất lao động cao, có kiến thức lại không có cơ hội cống hiến cho xã hội thì quả thật là gây lãng phí!
Mặt khác, khi kéo dài tuổi nghỉ hưu, thời gian đóng BHXH nhiều hơn. Vậy quỹ bảo hiểm sẽ điều chỉnh như thế nào để hài hòa giữa nghĩa vụ và quyền lợi và Luật BHXH cũng phải thay đổi theo ra sao cho phù hợp?
Nếu đánh đồng tất cả cùng tăng tuổi nghỉ hưu thì cái thiệt nhiều hơn cái lợi. Nếu tăng tuổi nghỉ hưu, nên chia nhóm dựa theo một tiêu chí nào đó. Tuy nhiên, sẽ không tránh khỏi việc phân theo học hàm, học vị sẽ tạo ra lớp người đua nhau đi học để được tại vị. Vì vậy, cũng phải nâng cao chất lượng giáo dục, siết chặt quản lý đào tạo tại chức.
Trước đây, theo chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình, mỗi gia đình chỉ có 1-2 con với mục tiêu rất tốt là giảm dân số, nhưng cuối cùng chất lượng dân số lại giảm do không hạn chế được gia tăng dân số ở những vùng nông thôn. Đó cũng là bài học cần rút kinh nghiệm.
Đối với lao động nữ giới, không nên phân nhóm là nữ thì được ưu tiên tăng tuổi nghỉ hưu, bởi không phải chị em nào cũng thích làm việc đến 60 tuổi, thay vì 55 tuổi như hiện nay, nhất là những chị em công tác ở những bộ phận nặng nhọc hoặc không đủ điều kiện về sức khỏe, gia đình để cống hiến nhiều hơn.
Đồng thời, cũng không nên phân nhóm theo khối hành chính sự nghiệp thì được làm lâu hơn bởi bộ máy hành chính của chúng ta đã quá cồng kềnh. Hơn nữa, tình trạng “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”, năng suất lao động thấp thì tăng tuổi nghỉ hưu chỉ càng làm nặng thêm bộ máy mà không tạo cơ hội cho lớp trẻ. Theo dự báo của các nhà xã hội học, thời kỳ cơ cấu dân số vàng của nước ta cũng sẽ không kéo dài được nhiều nữa và sau đó sẽ bước sang giai đoạn già hóa. Vì vậy, việc tăng tuổi nghỉ hưu cần tiến hành từng bước, cần có lộ trình, có thể ban đầu chỉ tăng thêm khoảng 2-3 tuổi đối với nhóm có trình độ tiến sĩ, giáo sư… Còn đối với nhóm làm việc trong môi trường nặng nhọc, độc hại thì nên giảm tuổi nghỉ hưu xuống 50, thậm chí là 45 tuổi.
NGUYỄN VĂN AN