.

Đốt lò hương ấy...

1. Lễ hội Quán Thế Âm-Ngũ Hành Sơn năm 2013 này có một điểm nhấn rất mới và rất đặc sắc: người dự lễ hội có thể trực tiếp chiêm bái tôn tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông vừa được cung nghinh về Đà Nẵng. Dẫu biết rằng pho tượng lớn nhất và bền chắc nhất mà một bậc tiền nhân có thể tạc vào lịch sử chính là hình bóng của người ấy được khắc cốt lưu tâm trong muôn vàn trái tim người đời sau, nhưng được tận mục sở thị một tác phẩm nghệ thuật do bàn tay tài hoa của các nghệ nhân thổi hồn vào khối ngọc bích nặng hơn 4,5 tấn để chế tác nên cũng là điều hết sức có ý nghĩa cả về phương diện thẩm mỹ lẫn phương diện tâm linh, và quan trọng hơn là dịp để người dự lễ hội nói riêng, người Đà Nẵng nói chung, cùng tưởng nhớ đến vua Trần Nhân Tông vốn có nhiều cơ duyên gắn bó với vùng đất Quảng Nam - mở cõi về phương Nam - của chúng ta.

2. Vua Trần Nhân Tông trước hết là một vị minh quân. Phát biểu trong Hội thảo về Trần Nhân Tông ở Đại học Harvard - Hoa Kỳ vào tháng 9-2012, đánh giá Trần Nhân Tông trên cương vị vua một nước, đối chiếu với “bổn phận đầu tiên của người làm vua là bảo vệ cho được sự toàn vẹn của quốc gia, cả về chủ quyền và lãnh thổ, bảo vệ che chở được cho mọi thành viên của cộng đồng”, PGS.TS Trần Ngọc Vương cho rằng với tư cách người có công đầu trong việc lãnh đạo đất nước lưỡng hồi lao thạch mã - hai phen chồn ngựa đá (thơ Trần Nhân Tông), hai lần đánh tan đội quân xâm lược hùng mạnh nhất thế giới đương thời là đế quốc Mông-Nguyên hung hãn, Trần Nhân Tông xứng đáng là một vị vua “thực hiện bổn phận này một cách hiển hách và hoàn hảo” trong lịch sử các triều đại ở Việt Nam nói riêng và cả khu vực Đông Á nói chung.

3. Vua Trần Nhân Tông còn là một vị thánh triết và là người duy nhất được hậu thế xưng tụng là Phật hoàng - chân dung Trần Nhân Tông được thể hiện trong pho tượng bằng ngọc bích mà người dự lễ hội Quán Thế Âm-Ngũ Hành Sơn năm 2013 được tận mắt chiêm bái chính là chân dung của nhà vua với tư cách một Phật hoàng. Trong bài phát biểu nêu trên, PGS.TS Trần Ngọc Vương nhấn mạnh rằng Thiền phái Trúc Lâm do Trần Nhân Tông “sáng lập và trở thành Trúc Lâm đệ nhất tổ vừa kế thừa được tinh hoa của Thiền Tông nói chung, vừa kết tinh những thành tựu tu tập và quán tưởng của các hành giả bản địa, để trở thành một Thiền phái mang đậm sắc thái dân tộc mà đặc điểm hàng đầu là tinh thần nhập thế lạc quan, lại cũng vừa là nơi thể nghiệm sự kết hợp, dung hòa thêm các thành tố có nguồn gốc tôn giáo, tín ngưỡng hay học thuyết khác”.

4. Chính lòng khoan dung về văn hóa của Thiền phái Trúc Lâm đã đồng hành với Thái thượng hoàng Trần Nhân Tông trong chuyến thăm hữu nghị Chămpa vào năm 1301. Việc nhà vua đồng ý gả con gái mình là công chúa Huyền Trân cho vua Chămpa Chế Mân không những tạo điều kiện để nước Đại Việt có cơ hội tiếp cận sâu hơn với một nền văn hóa phi Trung Hoa nhằm tạo thế cân bằng trong tiếp biến văn hóa cũng như trong nỗ lực chống Hán hóa, mà còn dẫn đến cuộc-nam-chinh-êm-đềm mang về cho nước Đại Việt một vùng đất kéo dài từ bờ nam sông Hiếu đến bờ bắc sông Thu Bồn - cũng là một trạm trung chuyển quan trọng để dân tộc ta tiếp tục vượt sông Thu Bồn tiến về phương nam trên hành trình quảng-nam-mở-cõi. Có thể nói với người Việt nói chung, người Đà Nẵng nói riêng, Trần Nhân Tông là một trong những vị thành hoàng có công đầu khai sơn phá thạch. Không rõ năm xưa vào thăm Chămpa đất khách quê người, nhà vua đã có dịp vãn cảnh Ngũ Hành Sơn hay chưa, nên không chừng qua sự kiện cung nghinh và tổ chức triển lãm tôn tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông trong lễ hội Quán Thế Âm năm nay, đây là lần đầu tiên nhà vua đến với sáu ngọn núi Ngũ Hành...

5. Sự kiện cung nghinh và tổ chức triển lãm tôn tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông trong lễ hội Quán Thế Âm năm nay cũng có thể được xem là dịp để hai cha con vua Trần trùng phùng hạnh ngộ trên đất Ngũ Hành Sơn. Năm 1306 - năm năm sau cái gật đầu đồng ý của vua cha, công chúa Huyền Trân mới nước non nghìn dặm ra đi và trở thành hoàng hậu Paramecvari của vương triều Chămpa. Cũng không rõ thời gian làm dâu ở kinh thành Đồ Bàn, công chúa Huyền Trân/hoàng hậu Paramecvari có từng đến Ngũ Hành Sơn hay chưa, chỉ biết rằng mấy trăm năm trước người Đà Nẵng đã dày công xây dựng ở ngọn Kim Sơn miếu thờ công chúa Huyền Trân/hoàng hậu Paramecvari bằng gạch Chăm cổ, có văn bia khắc bằng chữ Chăm.

Trải qua bao lớp sóng phế hưng của lịch sử, hiện nay người Đà Nẵng đang ra sức trùng tu Miếu Bà nhằm phục dựng lại hình dáng cũng như vật liệu thuở ban đầu còn lưu giữ được. Hy vọng Hội Khoa học Lịch sử thành phố sẽ tổ chức một hội thảo khoa học ngay tại Miếu Bà vào đúng ngày mồng 9 tháng giêng năm Bính Thân 2016 nhằm đốt lò hương cũ (thơ Nguyễn Du) để tưởng nhớ công chúa Huyền Trân với tư cách một trong những vị tiền hiền có công khai mở vùng đất sơn thủy hữu tình này…

BÙI VĂN TIẾNG

;
.
.
.
.
.