.

Đừng vì lợi ích trước mắt!

Với khoảng 18.000 phòng, nếu tính cả lượng phòng dự trù tại Lăng Cô và Hội An, có thể nói, năm nay, Đà Nẵng sẽ không thiếu chỗ lưu trú cho lượng du khách đến xem pháo hoa được dự đoán là sẽ bằng hoặc tăng nhẹ so với năm ngoái.

Từ rất sớm, Đà Nẵng triển khai nhiều biện pháp kiểm soát giá phòng khách sạn (KS), một trong những loại hình dịch vụ được xem là nhạy cảm nhất mỗi kỳ pháo hoa, khiến không ít KS lăm le tăng giá đã phải chùn tay. Song, quy định nghiêm ngặt về việc được phép tăng 50% so với mức giá công bố và niêm yết giá công khai vẫn không ngăn được nhiều cơ sở lưu trú khác luồn lách, qua mặt cơ quan chức năng để mong thu lại một lợi nhuận không nhỏ chỉ từ hai đêm pháo hoa.

Trên thực tế, giới lữ hành tại Đà Nẵng đã không ít lần cảnh báo về việc các KS tự nâng giá công bố lên từ trước... Tết, sau đó mới cộng thêm 50%. Hiển nhiên, điều này làm lợi cả đôi bề cho các KS: vừa che mắt người, vừa yên tâm chào giá, dù giá rất cao nhưng vẫn không vi phạm. Giá phòng còn bị đội lên theo một cách khác, qua những tay trung gian chịu khó gom phòng từ rất sớm, rồi bán lại cho du khách với mức cao hơn nhiều so với giá mua tại KS. Ngoài ra, nhiều KS nhỏ cậy mình nằm ở những vị trí đắc địa cho việc xem pháo hoa không cần lách quy định, vẫn ngang nhiên “hét” giá ở những mức không tưởng. Mà, việc tăng giá chỉ được phát hiện và xử phạt một khi có ai đó có đầy đủ hóa đơn, chứng từ chứng tỏ mình bị “chặt chém”. Còn không, KS vẫn nhởn nhơ vì họ không phải xuất hóa đơn VAT và chỉ thỏa thuận với khách bằng miệng. Thêm nữa, nếu bị phạt, mức phạt cho mỗi lần vẫn là quá nhẹ so với lợi nhuận mà cơ sở thu được từ kinh doanh phòng mùa cao điểm. Điều đó cho thấy, các cơ quan chức năng và những người làm quản lý du lịch cần có những động thái linh hoạt hơn, vào cuộc quyết liệt hơn trong việc kiểm tra, phát hiện, nghiêm trị những hành vi lợi dụng kẽ hở để tăng giá sai quy định.

Chưa biết con số du khách không mua tour mà tự đi lẻ là bao nhiêu, nhưng đến thời điểm hiện tại, lượng khách đăng ký đến Đà Nẵng xem pháo hoa qua các công ty lữ hành thấp hơn với các năm trước. Trong buổi họp báo về Cuộc thi trình diễn pháo hoa 2013 ngày 26-3, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch đưa ra những con số ít nhiều gây phân vân: hiện công suất buồng phòng trong hai đêm pháo hoa của các KS 3 sao là 70%, nhưng khối 1-2 sao mới 45% và nhà khách, nhà nghỉ chỉ là 15-20%. Trong khi đó, dù có giá cao, nhưng với các cam kết không tăng giá hoặc chỉ tăng từ 15 - 20% so với giá ngày thường và việc cung ứng dịch vụ chuyên nghiệp hơn nhiều, khối KS 5 sao đã đạt được sự tin tưởng của du khách với mức công suất rất lạc quan là 85%.

Không phải một lần, những người tâm huyết với du lịch Đà Nẵng cảnh báo về các nguy cơ từ việc tăng giá quá tay. Hậu quả là gì, nếu không phải là du khách sẽ thận trọng đắn đo trước khi quyết định đến Đà Nẵng, không chỉ riêng dịp pháo hoa, mà còn hàng nghìn dịp khác trong tương lai nữa. Hàng vạn sự nỗ lực để đạt đến thành phố sự kiện, văn minh, đáng sống... sẽ bị chính cách kinh doanh chụp giựt gây ảnh hưởng rất lớn. Nghĩa là, không thể cứ chờ đợi và tự hào về những gì sẵn có như bãi biển đẹp, nhiều điểm tham quan, nhiều sự kiện quốc tế..., mà chính cách làm du lịch một cách chuyên nghiệp, không ăn xổi ở thì, mới tạo nên sức thu hút bền vững cho du lịch.

Đừng vì cái lợi trước mắt. Hãy vì lợi ích lâu dài, cho người dân, cho ngành du lịch và cho chính các doanh nghiệp!

HẰNG VANG
 

;
.
.
.
.
.