.

Giảm thuế là thượng sách

Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa có ý kiến về dự thảo sửa đổi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp. Theo đó, từ 1-1-2014 mức thuế suất được áp dụng là 23% và đến 1-1-2016 là 20%. Lộ trình giảm thuế được dư luận, đặc biệt là cộng đồng các nhà đầu tư, đang rất quan tâm dù vẫn còn những băn khoăn bởi mức giảm như vậy chưa tạo cú hích ấn tượng đối với các doanh nghiệp.

Trao đổi với chúng tôi về chuyện này, ông Huỳnh Văn Chính, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dệt may 29-3, cho biết ông mong muốn mức thuế suất 20%, vì hiện nay doanh nghiệp đang đứng trước nhiều khó khăn chồng chất, phải gánh nhiều khoản chi phí như lãi suất ngân hàng, hoa hồng, tìm hiểu thị trường và nhiều khoản chi phí phi sản xuất khác. Chi phí lớn và thuế cao khiến lợi nhuận cuối cùng quá thấp, doanh nghiệp không đủ sức tái đầu tư.

Vẫn biết việc giảm thuế thêm 3% (từ 23 xuống 20%) - mà cứ giảm thuế suất 1% là giảm 6.000 tỷ đồng theo cách tính toán của Bộ Tài chính - tạo ra một áp lực lớn lên ngân sách vốn đang rất khó khăn. Tuy vậy, theo lý giải của nhiều doanh nghiệp, nếu như thuế suất giảm xuống 20% như ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, không khí đầu tư sẽ sôi động hơn, sản phẩm xã hội sẽ dồi dào hơn. Giảm thuế, tăng đầu tư, tổng sản phẩm xã hội sẽ tăng thì thu ngân sách cũng tăng, một doanh nhân nhận xét.

Bản chất của chính sách thuế là tác động đến sản xuất, kinh doanh như thế nào chứ không chỉ tính toán trên cơ sở tổng thu ngân sách. Chúng ta nói nhiều đến việc nuôi dưỡng nguồn thu (ngân sách), nhưng thuế suất quá cao sẽ gây đình đốn hoạt động sản xuất kinh doanh. Chính sách thuế thông thoáng là động lực thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển.

Tình hình thu ngân sách các năm từ 2009 đến 2012 cho thấy, thuế suất giảm thì tổng sản phẩm xã hội tăng và mức thu ngân sách cũng tăng. Điều đó cho thấy, việc giảm thuế sẽ giúp các doanh nghiệp tăng tích lũy, tăng cường đầu tư mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, đổi mới máy móc thiết bị, từ đó doanh nghiệp tăng trưởng sản xuất, lợi nhuận tăng cao để nộp thuế lại cho Nhà nước.

Từ giảm mức thuế và lộ trình giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, tôi nghĩ đến đúc kết của cha ông “Dân cường, nước thịnh”, hay mục tiêu mà chúng ta đang phấn đấu “Dân giàu, nước mạnh…”.

Lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam cho thấy, chính sách triều đại nào hướng về dân, khoan sức dân thì “dân cường, nước thịnh”. Vừa thoát khỏi 1.000 năm đô hộ của các triều đại phong kiến Trung Quốc, chính sách phát triển của  họ Khúc là “Khoan, giản, an, lạc”, bình quân thuế ruộng, tha bỏ lực dịch. Nhờ vậy mà nhân dân được yên vui, đất nước thái bình. Hay như thời hậu Lê, sau khi đánh đuổi nhà Minh, bắt tay xây dựng đất nước đã áp dụng chính sách khoan sức dân thông thoáng, sửa đổi luật thuế khóa, điền địa, khuyến khích nông nghiệp, mở rộng đồn điền, tạo không khí an bình cho đất nước. Sử cũ chép: Đời vua Thái Tổ, Thái Tông “Thóc lúa đầy đồng, đời sống ấm no”. Một cuộc sống an bình, sung túc mà chúng ta vẫn có thể cảm nhận được. Đó là hiệu quả của một chính sách thực sự đi vào lòng dân!

Chính sách thuế hiện nay cũng nhắm đến mục tiêu như vậy.

TƯỜNG VY
 

;
.
.
.
.
.