Mới đây, Đài Truyền hình Việt Nam VTV phát đi hình ảnh Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Hoàng Tuấn Anh khi thị sát công tác tổ chức và quản lý lễ hội tại Ninh Bình đã tự tay tháo gỡ những đồng tiền lẻ của người hành hương nhét vào tay tượng Phật ở chùa Bái Đính. Hình ảnh này cho thấy biến tướng lễ hội sau Tết Nguyên đán, nhất là ở các địa phương phía Bắc, đang là căn bệnh trầm kha bất trị.
Lễ hội tại các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo vốn mang đậm những nét văn hóa truyền thống dân tộc, phản ánh bản sắc văn hóa đặc trưng của mỗi vùng miền. Ý nghĩa thật tốt đẹp: cầu cho quốc thái dân an, làng xã bình yên, nhà nhà hạnh phúc. Thế nhưng, giờ đây niềm tin tín ngưỡng của một bộ phận nhân dân “cuồng tín” theo “hiệu ứng đám đông” càng biến tướng, méo mó đến thô tục, phản cảm.
Đó là những hình ảnh năm nào cũng vậy: hàng ngàn người chen lấn chà đạp lên nhau để xin cho bằng được ấn đền Trần, tranh nhau cướp lộc, xin xăm, đốt vàng mã, rải muối gạo, rác thải từ thức ăn, đồ dùng mang theo, biến các cơ sở thờ tự thành bãi rác; đặt tiền lẻ lên bàn thờ, nhét tiền vào tay tượng Phật, tượng rồng, tượng sư tử, cây cối và bất cứ chỗ nào có thể. Bên cạnh đó, còn nở rộ các hoạt động ăn theo lễ hội: chùa giả và sư giả, để ăn tiền cúng; hoạt động bán ấn giả, ăn xin, trộm cắp và các dịch vụ phục vụ người hành hương với giá “chặt chém”... Lễ hội đã thành những cuộc đại bát nháo của rất đông người!
Văn hóa lễ hội đã thành văn hóa “chụp giật”. Hầu hết người hành hương đến các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo trong mùa lễ hội đều chung một tâm lý xin xỏ thánh thần. Cho nên mới nhét tiền vào tay tượng Phật, mũi rồng, miệng sư tử để ép thánh thần phải nhận “hối lộ”. Tâm lý “chạy chọt” ngoài xã hội đã len vào đời sống tâm linh? Nét đẹp trong tín ngưỡng, tôn giáo vốn giáo dục con người sống thiện tâm, tích thiện tùng thiện thì nay biến tướng thành “hối lộ” thánh thần để xin được giàu sang phú quý, thăng quan tiến chức và đạt nhiều mục đích khác... Nếu có linh, chẳng thần thánh nào chứng cho những hành động báng bổ và tư duy phản văn hóa của những người này.
Thành phố Đà Nẵng sau Tết cũng có hàng chục lễ hội đình làng: Túy Loan, Hải Châu, Trung Nghĩa, Hòa Mỹ, Phước Lý, An Hải...; các lễ hội cầu ngư ở các phường ven biển; đặc biệt có lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn, một trong 15 lễ hội cấp quốc gia. Các lễ hội có sự tham gia của chính quyền các cấp trong công tác tổ chức bảo đảm chu đáo, an toàn. Bên cạnh nghi thức tín ngưỡng, tôn giáo là các hoạt động của phần hội với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Hội làng giữa phố, đó là nét đẹp văn hóa mà người dân thành phố trẻ còn gìn giữ và duy trì. Du khách phương xa có dịp đến các lễ hội của Đà Nẵng, dù lễ hội đình làng hay lễ hội Quán Thế Âm, đều thấy ở đây không có những cảnh phản cảm, mua thần bán thánh, bát nháo như nói trên.
Thực hiện mục tiêu xây dựng thành phố “3 có” (có việc làm, có nhà ở, có nếp sống văn minh), người dân Đà Nẵng đang cùng Đảng bộ, chính quyền thành phố gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, xây dựng văn minh công nghiệp hiện đại, đồng thời quyết liệt hạn chế sự phát triển của những biểu hiện phản văn hóa. Đảng bộ và nhân dân Đà Nẵng luôn coi trọng và quyết tâm thực hiện mục tiêu văn hóa là mục tiêu của sự phát triển thành phố một cách bền vững, một thành phố đáng sống và đáng mến trong lòng du khách gần xa.
Đan Lê