Dư luận cả nước lại một dịp nóng lên sau cuộc họp của Ban soạn thảo dự thảo nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, diễn ra vào chiều 11-3 do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Đinh La Thăng chủ trì.
Trong đó, phát biểu của Bộ trưởng Thăng gây nhiều tâm trạng nhất, với việc ông đề nghị đưa ra khỏi nội dung dự thảo quy định xử phạt xe không chính chủ, để Bộ GTVT cùng các bộ, ngành liên quan tiếp tục xem xét nghiên cứu có những văn bản pháp luật đồng bộ, tính khả thi cao thì mới đề nghị bổ sung vào các văn bản quy phạm pháp luật khác.
Gây ra nhiều tâm trạng, bởi người dân đã từng xôn xao trước việc chỉ mới cách đây 4 tháng khi tiến hành xử phạt theo Nghị định 71, vấn đề xe không chính chủ đã từng xáo lên trong dư luận những ý kiến trái chiều, mà chủ yếu là không đồng thuận với nội dung này. Rồi sau đó, vấn đề không chính chủ cứ lặp đi lặp lại với những quy định, ý kiến trái chiều, mà nhất là không tạo ra cách hiểu, cách làm rõ ràng. Đến nỗi, trong cuộc họp vào ngày 11-3, chính Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng bày tỏ bức xúc: “Chúng ta thống nhất quan điểm là quy định dễ hiểu, dễ thực hiện, tránh hiểu kiểu gì cũng được. Không được tù mù, đừng để quyền hiểu thuộc về người thực thi công vụ thì chết dân khi áp đặt cách hiểu của người thực thi công vụ dẫn đến tranh cãi”.
Xin lược lại quá trình thực hiện xử phạt xe không chính chủ. Theo Nghị định 71, từ ngày 10-11-2012, Cảnh sát giao thông có quyền xử phạt chủ xe không chính chủ. Thế nhưng, trước những phản ứng của dư luận, trong phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11 chỉ sau đó 20 ngày, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam thông báo chưa xử phạt xe không chính chủ để chờ các bộ, ngành nghiên cứu ban hành thông tư hướng dẫn cụ thể. Mọi chuyện tạm lắng xuống cho đến ngày 1-3-2013, Bộ Công an ban hành Thông tư số 11/2013/TT-BCA, có hiệu lực từ ngày 15-4-2013, quy định nội dung “xử phạt trường hợp quá thời gian 30 ngày, kể từ ngày làm giấy tờ mua, bán xe nhưng chưa làm thủ tục sang tên, di chuyển thay đổi đăng ký xe theo quy định”. Tiếp theo là Thông tư số 12/2013/TT-BCA hướng dẫn đăng ký phương tiện đã qua nhiều chủ và thực hiện hết năm 2014, sau năm 2014 mới tiến hành xử phạt.
“Ngược dòng lịch sử” như vậy để thấy rằng, trên thực tế đã có sự “tù mù” về việc xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật cũng như tuyên truyền về thực hiện chung quanh quy định xe chính chủ trong thời gian qua. Càng “tù mù” hơn, khi trong cuộc họp của Ban soạn thảo ngày 11-3 vừa qua đã có những ý kiến trái chiều về vấn đề này của các bộ, ngành liên quan. Trong khi Bộ trưởng GTVT đề nghị rút nội dung này ra khỏi dự thảo, thì đại diện Bộ Công an đề nghị giữ nguyên, vì hành vi không chuyển quyền sở hữu với phương tiện cơ giới đường bộ đã được quy định trong Luật Giao thông đường bộ.
Nói như vậy, để thấy rằng, trước những vấn đề dư luận quan tâm, ảnh hưởng đến đời sống của đại bộ phận người dân, thì vẫn còn những vấn đề “tù mù” nhất định. Hiện tượng “tù mù” này xuất phát từ cách làm luật và ban hành các văn bản dưới luật còn chưa thống nhất, tạo nên cách hiểu và triển khai thực hiện không thống nhất, không đúng tinh thần của luật cũng như chỉ đạo của cấp trên.
Từ thực trạng đó, để các văn bản pháp luật đi vào thực tiễn cuộc sống và được thực thi một cách nghiêm túc, thì cần có một sự nghiêm túc nhất định trong xây dựng luật và ban hành các văn bản dưới luật phù hợp với tình hình thực tiễn. Đồng thời, việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật cũng cần được chú trọng, để mọi công dân hiểu đúng và thực hiện đúng, chứ không nên để xảy ra tình trạng “tù mù” như thời gian qua, mà sự kiện xe không chính chủ chỉ là một ví dụ.
ANH QUÂN