.

Lại chuyện “không chính chủ”!

Bộ Giao thông vận tải vừa hoàn tất dự thảo lần hai Nghị định về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Trong đó, mức phạt mới áp dụng cho xe máy, mô-tô, ô-tô không sang tên đổi chủ được quy định từ 100.000 – 4 triệu đồng. Và gần như ngay lập tức thông tin này lại làm “nóng” dư luận một lần nữa...

Dư luận lần này trở nên khá “nhạy” với thông tin trên, vì trước đó vào cuối năm 2012 quy định xử phạt xe “không chính chủ” khiến nhiều người dân băn khoăn lo lắng về tính khả thi, đến nỗi Chính phủ phải yêu cầu tạm dừng phạt lỗi này để chờ thông tư hướng dẫn. Với động thái này, người dân hy vọng rằng khi văn bản mới hướng dẫn về việc phạt lỗi “không chính chủ” phương tiện sẽ hợp tình hợp lý hơn và đặc biệt là thời gian áp dụng sẽ mang tính khả thi cao hơn. Theo dư luận chung, đa số người dân mới chỉ đồng tình một... nửa quy định, tức là mức xử phạt từ 100.000-200.000 đồng đối với xe gắn máy, mô-tô và phạt 4 triệu đồng đối với ô-tô là chấp nhận được. Tuy nhiên, với việc phải đi xe “chính chủ” hoặc chứng minh là người thân với chủ xe thì phải mang theo đầy đủ các loại giấy tờ như chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu, giấy đăng ký kết hôn... lại quá phức tạp đối với người điều khiển phương tiện và khiến cho cơ quan chức năng “thêm việc”, rất vất vả khi kiểm tra các loại giấy tờ này.

Tuy nhiên, dư luận đang tỏ ra hoài nghi về tính khả thi về mốc thời gian là 1-7-2013 thực hiện việc xử phạt lỗi không chính chủ, vì còn vướng nhiều văn bản chưa “chạy” theo kịp nghị định này. Cụ thể, trước vướng mắt phát sinh trong việc sang tên đổi chủ, Chính phủ đã chỉ đạo cho Bộ Công an sửa đổi Thông tư 36 nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc sang tên đổi chủ khi mua bán phương tiện. Thế nhưng cho đến lúc này, Bộ Công an vẫn chưa hoàn thành việc chỉnh sửa Thông tư 36, vì vậy có thể hiểu rằng việc sang tên đổi chủ phương tiện vốn khá rối rắm do việc mua-bán phương tiện qua nhiều người vẫn tiếp tục gặp rất nhiều khó khăn và mất nhiều thời gian. Đó là chưa kể việc Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính nghiên cứu giảm phí trước bạ cho ô-tô khi sang tên đổi chủ, song công việc này vẫn chưa xong. Nếu cả hai văn bản này chưa thể hoàn thành và triển khai áp dụng vào thực thế, thì việc có đến 1-7-2013 áp dụng mức xử phạt lỗi “không chính chủ” thì cũng không khác gì việc dự định xử phạt vào thời điểm cuối năm 2012 vừa qua. Vì vậy, tính khả thi vẫn là một câu hỏi lớn.

Trở lại vấn đề này với thành phố Đà Nẵng. Với số lượng phương tiện đăng ký còn khá khiêm tốn so với Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, nhưng với trên 600.000 xe máy, mô-tô và 40.000 ô-tô thì việc thực hiện xe chỉnh chủ không hề đơn giản. Theo thống kê của Phòng CSGT Công an thành phố, trong tháng 2-2013 chỉ có 111 ô-tô, 411 mô-tô làm thủ tục sang tên đổi chủ. Trong khi đó, theo ước tính của cơ quan chức năng, hiện nay số người đi xe không chính chủ tại thành phố Đà Nẵng chiếm xấp xỉ ¼ số lượng đã đăng ký. Điều này cho thấy việc sang tên đổi chủ tại thành phố nếu muốn thực hiện hết thì cũng mất vài năm mới hoàn thành được.

Bất cứ văn bản nào của Nhà nước muốn đi vào cuộc sống và phát huy tác dụng, văn bản đó phải phù hợp với thực tế, tức là có tính khả thi cao. Còn ngược lại, kiểu ban hành văn bản theo kiểu ngồi… trên trời như việc xử phạt “không chính chủ” này, e rằng thêm một lần nữa buộc phải lùi thời gian thực hiện. Nếu vậy cơ quan soạn thảo văn bản này nghĩ gì, và liệu như vậy là mình đã hoàn thành chức năng tham mưu cho Chính phủ trong việc ban hành các chính sách?

THANH THU

;
.
.
.
.
.