.

Lại đẩy cái khó cho dân!

Liên Bộ Khoa học và Công nghệ, Công thương, Công an và Giao thông vận tải vừa ký Thông tư liên tịch về sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm (MBH) cho người đi xe máy, xe đạp máy. Giữa rất nhiều tiêu chuẩn rất nghiêm ngặt mà Thông tư này đưa ra, vấn đề đặt ra ở đây: làm sao đánh giá được MBH nào đạt, MBH nào không đạt tiêu chuẩn?

Thực tế trong những năm qua, câu chuyện về chất lượng MBH, mũ giả mũ thật chưa bao giờ ổn, bởi chính các cơ quan chức năng như công an, quản lý thị trường khi đi kiểm tra MBH cũng gặp không ít khó khăn, lúng túng và đặc biệt là mất khá nhiều công sức trong việc xác định nguồn gốc cũng như chất lượng của MBH.

Để giúp người tiêu dùng dễ dàng nhận dạng được MBH đạt chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ quy định: MBH đạt tiêu chuẩn chất lượng thì có dán nhãn chất lượng CS, nhưng từ năm 2010 trở về sau tem chất lượng lại được gắn chữ CR. Thế nhưng, có một thực tế là trừ những người làm công tác chuyên môn trong lĩnh vực này như khoa học công nghệ, quản lý thị trường... mới rõ quy định về CS hay CR, còn lại đại đa số người dân cũng hiểu rất mù mờ, thậm chí không hiểu vì sao từ CS chuyển thành CR. Đó là chưa kể việc để đối phó với cơ quan chức năng, nhiều nhà sản xuất hàng dỏm đã dán tem CR giả lên sản phẩm của mình. Dĩ nhiên, với việc không rõ CS hay CR là cái gì thì việc xác định tem nào là tem thật và tem nào là tem giả là một thách thức quá lớn với người tiêu dùng.

Chính vì thật giả lẫn lộn như vậy, mà khi nghe thông tin từ Thông tư  liên tịch số 06/2013 sẽ có hiệu lực từ giữa tháng 4 tới đây là sẽ xử phạt người đội MBH không đúng chất lượng, nhiều người đã phải thốt lên “lại đổ cái khó sang người dân nữa rồi!”.

Quả thực như vậy, khi các cơ quan của Nhà nước, mà cụ thể là các đoàn kiểm tra liên ngành bao gồm Công an, quản lý thị trường, khoa học công nghệ..., còn vất vả, lúng túng trong quá trình phát hiện và xử lý MBH giả, không đạt chất lượng, thì đùng một cái quay sang xử phạt người dân sử dụng MBH không đạt chất lượng quả là vô cùng phi lý. Dĩ nhiên, không loại trừ một bộ phận người dân vẫn cố tình không mua và sử dụng MBH đạt chất lượng, mà chủ yếu sử dụng MBH nặng tính thời trang hơn là bảo vệ vùng đầu khi xảy ra tai nạn. Tuy nhiên, đó là thiểu số, và với những người này việc xử phạt là cần thiết, nhưng với đa số còn lại với lý do không thể xác định được đâu là hàng chất lượng, đâu là hàng kém chất lượng, thì liệu việc xử phạt  có khiến họ “tâm phục khẩu phục”?

THANH THU

;
.
.
.
.
.