Một trong những điểm mạnh để thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài theo kinh nghiệm của các nước đi đầu trong cuộc đuổi bắt công nghiệp hóa ở châu Á như Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc… được Giáo sư Trần Văn Thọ nghiên cứu, đúc kết chính là vai trò chủ động, tích cực và sáng tạo của lãnh đạo cấp quốc gia và kế tiếp là lãnh đạo địa phương.
Theo quan điểm này, việc tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư vùng duyên hải miền Trung trong hai ngày 21 và 22-3 cũng chính là thể hiện sự cam kết của lãnh đạo 9 tỉnh, thành phố để cùng bắt tay tìm kiếm các nhà đầu tư, nhằm nâng quy mô phát triển vùng theo hướng đầu tư có trọng điểm, hình thành cụm liên kết sản xuất; đồng thời tạo sự đột phá về thể chế (dịch vụ và hành chính công) cũng như kết cấu hạ tầng.
Sự có mặt của 500 đại biểu, trong đó có 150 nhà đầu tư nước ngoài và các tổ chức quốc tế tại hội nghị sẽ là cơ hội để các nhà đầu tư và chính quyền các địa phương miền Trung chia sẻ, nói thẳng với nhau những điểm yếu kém, những gì cần làm để đạt được nhu cầu các bên. Vai trò tư vấn, phản biện của các nhà khoa học thông qua các hội nghị chuyên đề cũng sẽ góp phần làm tăng tính thuyết phục và định hướng cho hoạt động xúc tiến đầu tư của vùng.
Theo đánh giá của các chuyên gia tư vấn vùng, 9 tỉnh, thành phố vùng duyên hải miền Trung đã có sự chuẩn bị rất tích cực về xúc tiến đầu tư với thái độ cùng nhìn về một hướng để dần vươn lên tầm quốc tế bằng hội nhập và cạnh tranh lành mạnh trên cơ sở tiềm năng lợi thế của vùng. Từ đó chứng minh cho nhà đầu tư hiểu được định hướng phát triển kinh tế chung của vùng và của từng địa phương, tránh trùng lắp về kinh tế chủ lực và đối đầu lợi ích vì tương đồng tiềm năng. Thông qua các cam kết chung, triển vọng cải thiện môi trường đầu tư của vùng được thể hiện rõ trên các lĩnh vực, góp phần hoàn thiện thể chế chung của cả nước, cải thiện kết cấu hạ tầng của vùng, cải cách hành chính - hỗ trợ hành chính và tác động của quá trình liên kết hợp tác phát triển vùng.
Tham gia Hội nghị Xúc tiến đầu tư vùng duyên hải miền Trung lần này, các địa phương đều có chung kỳ vọng đón nhận làn sóng đầu tư công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp công nghệ xanh đặc biệt từ Nhật Bản, Hàn Quốc - hai quốc gia có nhiều điểm tương đồng về văn hóa và đứng ở vị trí top về đầu tư vào Việt Nam. Riêng thành phố Đà Nẵng sẽ có được lợi thế triển lãm thực tiễn sinh động về thành tựu kinh tế và xúc tiến đầu tư Khu Công nghệ cao, Khu Công nghệ thông tin tập trung thông qua việc đăng cai hội nghị.
Tại hội nghị, toàn vùng sẽ có 10 dự án được trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, 4 dự án ký kết hợp tác đầu tư và 3 dự án được Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cam kết tài trợ. Đây là sự khởi đầu sống động và khẳng định hợp tác liên kết vùng đang chuyển dịch đúng hướng, mở ra nhiều triển vọng.
Khi sự hợp tác, liên kết của vùng duyên hải miền Trung đã đi vào guồng máy, hoạt động thông suốt, nhịp nhàng, chặt chẽ và linh hoạt thì điều mà các địa phương quan tâm nhất chính là sự sáng tạo của mỗi nơi không bị coi là “xé rào”. Vì vậy, liên kết vùng muốn tăng độ mở về cơ chế cần phải thiết lập kênh phản hồi thông tin kịp thời giữa các địa phương và Trung ương để tránh rủi ro cho địa phương cũng như góp phần thực hiện đúng và nhất quán các cam kết mà chính quyền đã ký kết với nhà đầu tư.
THU PHƯƠNG