Mỗi lần thấy phụ nữ Tây vác ba lô tung tăng trên đường thưởng ngoạn cuộc sống, chợt nghĩ nhiều về các mẹ, các chị quanh mình. Dĩ nhiên không thể so về cách sống, sắc vóc, điều kiện giữa phụ nữ nơi này với nơi khác, lại không thể so sánh bản chất hướng nội của phụ nữ phương Đông với sự hướng ngoại của phụ nữ phương Tây. Nhưng có một điều là dù ở đâu, ai cũng có nhu cầu được hưởng thụ cuộc sống. Biết vậy, các mẹ, các chị phương Đông vẫn chọn sự nhẫn nhịn, hy sinh cho người thân của mình sung sướng nhiều hơn.
Không biết từ bao giờ, người ta gọi phụ nữ là “tay hòm chìa khóa”, “người giữ lửa”, và vị trí của họ là “hậu phương của gia đình”, “bến đỗ của chồng, con”… Trọng trách này còn được nâng lên thành “thiên chức”. Mà đã là thiên chức thì nói theo duy tâm là số phận đã vận những nhiệm vụ ấy vào người phụ nữ. Thế nên, dù ở thời nào, là phụ nữ của trước hay trong thời kỳ hội nhập, là người lao động đơn thuần hay có địa vị xã hội, cũng không được quên “chỗ đứng” thật sự của mình. Vì vậy, chuyện về các mẹ, các chị chưa bao giờ tách rời khỏi những buồn vui của phận làm vợ, làm mẹ.
Như bao dịp 8-3 trước, ngày Quốc tế phụ nữ năm nay, chúng tôi lại có dịp lắng nghe rất nhiều câu chuyện tiêu biểu của phụ nữ ở các địa phương. Các chị là người buôn bán nhỏ, giám đốc, cán bộ, nội trợ, v.v… Mỗi người một hoàn cảnh và quá trình phấn đấu, nhưng cùng là những điển hình về ý chí vượt qua gian khó. Dù không câu chuyện nào giống câu chuyện nào, nhưng mẫu số chung cho tất cả là sự tần tảo, vất vả và sống vì người khác hơn cho bản thân mình.
Cái cảm giác thương thương cứ lấn cấn trong lòng khi nghe về những tấm gương được cho là “tiêu biểu” của phụ nữ như thế. Bởi giá như và ước sao cùng với sự tiến bộ, đi lên của xã hội, trong ngày của phụ nữ, được nghe chuyện chị em, nhưng là những chuyện vui, niềm hạnh phúc khi họ được dấn thân, thành công và tỏa sáng trong các lĩnh vực mình đam mê. Trong đó, chồng con, xã hội là điểm tựa để phụ nữ phát huy hết sự năng động và năng lực tiềm ẩn, chứ không đơn thuần là việc chị em cứ âm thầm hy sinh làm hậu phương như bao lâu nay. Hoặc có thể đó là dịp phụ nữ cởi mở “khoe” những thành tích rất đáng tự hào trong công tác nghiên cứu và ứng dụng khoa học như đạt giải thưởng Kovalevskaya (Giải dành tặng các nữ khoa học gia xuất sắc) chẳng hạn. Một gam màu tươi sáng hơn trong mặt bằng chung của đời sống nữ giới có lẽ là ước mong không quá xa vời.
Không thể “ép” các mẹ, các chị cũng gác việc nhà, vác ba lô đi khám phá thế giới mới là thể hiện sự giải phóng phụ nữ. Nhưng làm sao để phụ nữ được sống với đam mê và có nhiều cống hiến hơn nữa cho cộng đồng, tức là vừa sống vì mọi người, vừa tận hưởng cuộc sống thi vị của chính mình. Đây cũng là sự thay đổi tích cực mà một xã hội văn minh hướng đến.
HƯỚNG DƯƠNG