.

Sớm có quyết sách cho nền kinh tế

Tại buổi gặp gỡ, tiếp xúc giữa các doanh nghiệp và tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn Đà Nẵng ngày 20-3, chủ đề lãi suất và khả năng tiếp cận vốn tín dụng lại được xới lên nhiều nhất. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình một lần nữa khẳng định, sau khi cân nhắc các yếu tố lạm phát và thanh khoản toàn hệ thống, dư địa để giảm lãi suất huy động trong năm nay sẽ không quá 1%.

Điều này cũng có nghĩa khó có thể giảm nhanh lãi suất cho vay như mong muốn của nhiều doanh nghiệp. Tuy nhiên, vấn đề nổi cộm nhất lại nằm ở chỗ làm thế nào để hỗ trợ nền kinh tế sớm đi vào quỹ đạo phục hồi bền vững, đủ sức vượt qua tình trạng “tắc nghẽn” hiện nay, như sức cầu yếu, nợ xấu tiềm ẩn cao, khí thế làm ăn sa sút, bất động sản tiếp tục đóng băng, năng lực hấp thụ vốn rất thấp, từ đầu năm đến nay tăng trưởng tín dụng vẫn còn âm… Đây là những câu hỏi thực sự bức xúc, đòi hỏi phải sớm có những quyết sách đi nhanh vào cuộc sống.

Mọi giải pháp điều hành trước hết phải bám sát nhu cầu thực tiễn, tuy nhiên điều quan trọng là phải kích động được các nguồn lực xã hội, tạo ra điểm nhấn đột phá, từ đó phát động, mở đường và “phá băng” các trở ngại đang bao vây nền kinh tế. Tư duy chủ đạo của NHNN hiện nay là một mặt phải giảm dần lãi suất nhưng mặt khác phải bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền. Tuy nhiên, thị trường lại có câu trả lời khác.

Hiện nay, các NHTM đang bắt đầu phải đối diện với khó khăn ngày càng lớn về xử lý đầu ra, buộc phải hạ cả lãi suất huy động và cho vay, thậm chí đưa ra nhiều gói hỗ trợ lãi suất thấp để kích cầu. Đây sẽ là động lực cạnh tranh chủ yếu lan tỏa và chi phối toàn hệ thống trong thời gian đến. Cũng cần lưu ý rằng, dường như đã thành quy luật, nếu NHNN chủ động hạ lãi suất chỉ đạo xuống 1% thì ngay lập tức lãi suất thị trường sẽ lên tiếng và bao giờ lãi suất thị trường cũng giảm nhanh hơn, nhiều hơn so với lãi suất chỉ đạo. Chính vì vậy, bên cạnh điều kiện tiên quyết là giữ vững ổn định vĩ mô, mọi động thái kịp thời của NHNN trong thời điểm hiện tại luôn mang lại ảnh hưởng mạnh mẽ đến thị trường tiền tệ và lãi suất.

Một trong những giải pháp kích cầu có hiệu quả hiện nay là tung ra đúng lúc và đúng liều lượng các gói hỗ trợ mang tính chất tập trung trên phạm vi toàn bộ nền kinh tế. Về mặt sâu xa, với trách nhiệm bình ổn vĩ mô, NHNN luôn quan ngại rằng lãi suất thấp sẽ kích động một cao trào chạy đua tăng trưởng, không khéo nền kinh tế lại tiếp tục rơi vào vòng luẩn quẩn “Đầu tư kém hiệu quả - Lạm phát - Lãi suất cao - Thắt chặt tín dụng”. Tuy nhiên, sự lo lắng đó, nếu có, chỉ diễn ra phổ biến ở lĩnh vực đầu tư công là chính, trong khi bản thân hệ thống ngân hàng và doanh nghiệp cho đến thời điểm này đã lĩnh hội được quá nhiều bài học cần cẩn trọng trong các quyết định đầu tư của mình. Lãi suất ngân hàng phải quay trở về đúng vị trí của mình, đó không thể là “miếng mồi ngon” để ai đó đua nhau tận hưởng mà phải là phần thưởng đáng khích lệ dành cho những nhà đầu tư thực sự có tâm huyết. Trả lời phỏng vấn mới đây, khi đề cập ảnh hưởng của gói hỗ trợ 30 nghìn tỷ đồng với lãi suất 6% dành cho vay thuê/mua nhà ở, Vụ trưởng Vụ Tín dụng NHNN cho rằng khó có thể tiên lượng được một cách cụ thể hiệu quả của gói hỗ trợ, tuy nhiên tác động mang lại nhằm củng cố niềm tin thị trường, khơi tăng các giao dịch bất động sản là khả thi(?). Nhận định có vẻ do dự này cũng là điều dễ hiểu, bởi vì NHNN chỉ là nơi cung ứng vốn để các TCTD cho vay, trong khi hàng loạt chủ trương chính sách có liên quan đến thị trường bất động sản, nhà ở xã hội, nhà ở thương mại… thì lại do các bộ, ngành khác khởi xướng, nói mãi nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành. Chưa kể, 30 nghìn tỷ đồng xem ra là số tiền quá ít ỏi so với nhu cầu thực sự của thị trường.   

Mặt khác, theo như dự thảo của NHNN, với quy định chỉ cho vay hai đối tượng (thuê, thuê mua nhà ở xã hội/thuê, mua nhà ở thương mại), vô hình trung đã tước đi cơ hội, nhu cầu và quyền lựa chọn chính đáng của người dân có thu nhập thấp và trung bình về quyền sở hữu nhà và đất ở. Các giải pháp đề cập hầu như mới chỉ tập trung gỡ khó cho doanh nghiệp bất động sản là chính, trong khi lực lượng có tính chất quyết định nhất để vực dậy thị trường là người dân có nhu cầu thực sự về nhà ở lại không được quan tâm một cách đầy đủ. Cũng cần lưu ý rằng, mô hình nhà ở xã hội/nhà ở thương mại hiện nay ở nước ta đang phát sinh khá nhiều trục trặc, bất cập, thậm chí mất uy tín như chất lượng kém, trình độ quản lý bất cập, không phù hợp phong tục tập quán, tâm lý của người dân ở các địa phương mà mức độ đô thị hóa còn thấp hoặc quỹ đất ở còn lớn…

Liệu rằng các trường hợp người dân có nhu cầu sở hữu một mảnh đất để xây dựng nhà ở/hoặc đã có đất nay muốn vay để xây nhà ở có được giải quyết vay vốn lãi suất thấp? Nên chăng Chính phủ và NHNN cần nghiên cứu ban hành cơ chế theo hướng đồng bộ, mang tính đột phá để vừa huy động mọi nguồn lực trong xã hội, trước hết là của hệ thống TCTD, vào công cuộc “chỉnh đốn” lại thực trạng nhà ở dành cho người dân, chứ không nên chỉ đưa ra một vài giải pháp đơn phương mang tính chắp vá, nhất thời, thiếu khả thi, kết quả nhiều khi chẳng đi đến đâu, trong khi hậu quả thì đã nhãn tiền!

TÂM DÂN

;
.
.
.
.
.