Không phải đợi đến bây giờ, mà ngay từ cuối năm ngoái, nhiều hãng lữ hành tại Đà Nẵng đã hớn hở trước thông tin sân bay Phú Bài (Huế) tạm ngưng hoạt động từ tháng 3-2013 để sửa chữa, nâng cấp. Không sai, từ ngày 20-3 đến 20-11 năm nay, tất cả các chuyến bay đến sân bay Phú Bài sẽ chuyển hướng đổ về Đà Nẵng. Điều này góp thêm vào sự sôi động của lượng du khách đến Đà Nẵng dự kiến tăng cao trong năm nay, đóng góp không nhỏ vào thu nhập xã hội từ du lịch của thành phố.
Hẳn nhiên, sân bay Phú Bài tạm đóng cửa sẽ gây khó không ít cho các doanh nghiệp dịch vụ tại Huế trong thời gian dài. Nhưng mặt khác, sự chuyển hướng bay này lại mang đến mối lợi lớn cho du lịch Đà Nẵng. Trong thời gian 8 tháng, các hãng lữ hành và nhà xe tại Đà Nẵng có thể hợp tác mở các chuyến xe trung chuyển khách du lịch từ Đà Nẵng ra Huế.
Một lượng khách lớn trước nay đổ về Huế lại có thêm thời gian chi tiêu cho việc đi lại, tham quan, ăn uống tại Đà Nẵng trước khi lên đường đi Huế. Đồng thời, các khách sạn trong thành phố cũng đón thêm một lượng khách tương ứng lưu trú tại Đà Nẵng để chờ chuyến bay về.
Cùng với sự nhộn nhịp của lượng khách nội địa, nhất là trong mùa cao điểm từ tháng 4 đến giữa tháng 8 năm nay, là sự sôi động không kém của các đường bay quốc tế liên tục đưa khách nước ngoài đến Đà Nẵng. Từ đây đến cuối năm dự kiến có thêm nhiều đường bay mới từ Hong Kong, Nga, Bangkok (Thái Lan) và một số thành phố lớn của Trung Quốc như Trùng Khánh, Đại Liên mở chuyến đến Đà Nẵng.
Cùng với các đường bay mới, 12 đường bay hiện có giúp tăng trưởng lượng khách quốc tế đến thành phố bằng đường hàng không trong năm khoảng 20% so với năm ngoái, với gần 190.000 lượt người.
Bên cạnh đó, sự chuyển hướng khách từ Âu sang Á chẳng những đã cứu thị trường tàu biển một bàn thua trông thấy, mà còn lấp đầy những khoảng trống vời vợi mà du khách châu Âu để lại do ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế. Khách du lịch châu Âu, vốn là thị trường truyền thống của du lịch tàu biển đã được thay thế bằng thị trường khách mới nổi từ Trung Quốc, Nhật Bản... Theo lịch trình, tàu biển 5 sao Gemini sẽ thay thế tàu SuperStar Aquarius để liên tục cập Cảng Đà Nẵng gần như quanh năm. Với lượng khách mỗi chuyến khoảng 1.400 người châu Á cập cảng Tiên Sa hằng tháng, Đà Nẵng cùng Quảng Nam - Huế sẽ phối hợp khai thác tốt chi tiêu của du khách.
Điều đáng ghi nhận là Đà Nẵng không còn là một điểm trung chuyển thuần túy như trước nay, mà trở thành một trung tâm khai thác khá tốt dịch vụ cho du khách, kể cả khách quốc tế. Trong đó, các điểm tham quan và chương trình biểu diễn nghệ thuật tại Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh góp phần không nhỏ trong việc “móc túi” du khách. Tuy Đà Nẵng không có bề dày lịch sử - văn hóa như Huế và Hội An - Mỹ Sơn, nhưng bù lại có thể làm hài lòng du khách nội địa với cơ sở hạ tầng tốt và môi trường du lịch thân thiện.
Bên cạnh đó, hệ số lưu trú từ 3 - 3,5 đêm/khách tại các khu nghỉ dưỡng cao cấp tại Đà Nẵng trong dịp Tết vừa qua cho thấy sức hút của du lịch cao cấp đối với dòng khách “nhà giàu”, có chi tiêu mạnh tay. Vấn đề đặt ra là khi có nhiều dòng khách cùng đổ về Đà Nẵng vào cùng một thời điểm, các doanh nghiệp và cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch phải chủ động đối mặt và giải quyết linh hoạt trước các sự cố về kẹt xe, “cháy” xe, “cháy” dịch vụ và hướng dẫn trong những ngày tới.
PHONG KHÁNH