Buổi giao lưu Hướng về Trường Sa thân yêu sáng 14-3 diễn ra trong niềm xúc động của những người có mặt cũng như những ai theo dõi sự kiện này qua các phương tiện truyền thông. Nhiều gương mặt trẻ rưng rưng nước mắt khi gặp gỡ những chứng nhân của cuộc chiến đấu bi hùng ngày 14-3-1988 tại đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa hay thân nhân của những anh hùng - liệt sĩ ấy. Những người trở về từ trận chiến năm xưa nay không khỏe nữa với di chứng thương tật nhưng các anh vẫn thao thức về đồng đội, về Trường Sa thân yêu.
Một bạn trẻ chia sẻ trên facebook: “Không biết có bao nhiêu bạn trong friend list (danh sách bạn bè) của mình nhớ hôm nay là kỷ niệm 25 năm trận chiến bảo vệ đảo Gạc Ma… Thời cơm áo gạo tiền có quá nhiều điều để quan tâm. Có nhiều bạn thờ ơ với vấn đề thời sự của đất nước, coi như chuyện của ai chứ không phải của mình… Khi đất nước không còn - cả dân tộc mồ côi”. Ở một chia sẻ khác, một bạn trẻ viết và dẫn câu thơ của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến: “25 năm Trường Sa ngày ấy… trong hồn người có ngọn sóng nào không?”… Mấy hôm nay, trên các trang mạng của những người trẻ cũng sôi nổi chia sẻ về sự kiện kỷ niệm 25 năm trận chiến bảo vệ đảo Gạc Ma, quần đảo Trường Sa (14-3-1988) và tấm lòng của người trẻ đối với biển, đảo yêu thương.
Chính các bạn trẻ đang tự trách mình khi cho rằng có nhiều bạn thờ ơ, vô cảm với lịch sử dân tộc. Các bạn đang thật sự đau đáu với giá trị của độc lập, tự do ngày nay và đau đáu với vấn đề chủ quyền biển, đảo. Điều đó minh chứng rằng, các bạn không hề lãng quên hay chối bỏ lịch sử như những quan ngại đặt ra. Còn đau đáu nghĩa là còn trách nhiệm lắm! Nhưng câu hỏi là vì sao có nhiều bạn vẫn thờ ơ với quá khứ rất đáng tự hào của dân tộc, đặc biệt là quá khứ ấy lại ở gần, ngay trên mảnh đất quê hương ta đang sống. Sự kiện Gạc Ma với 64 chiến sỹ hy sinh (trong đó có 9 liệt sĩ Đà Nẵng) để bảo vệ vùng biển của Tổ quốc là một ví dụ. Thế nhưng, khi hỏi về Gạc Ma, không ít người trẻ lắc đầu: Không biết!
Thật có lý khi một bạn trẻ khi trao đổi với chúng tôi đã cho rằng, buổi giao lưu Hướng về Trường Sa thân yêu là buổi học lịch sử sống động. Những bài giảng hiện ra trước mắt với các nhân chứng sống, cả những kỷ vật thiêng liêng mà người mẹ, người cha, người vợ, người anh... lưu giữ như món quà quý giá nhất, để làm vơi đi nỗi nhớ người thân. Lẽ nào các bạn trẻ lại vô cảm khi tận mắt nhìn thấy chiếc nhẫn cưới của người chiến sĩ được đồng đội mang về cho vợ anh làm kỷ vật cuối cùng, mà thân anh đã hòa vào biển cả! Và cây bàng vuông được nuôi lớn từ Trường Sa biết đâu sẽ giúp “nói” với người trẻ thật nhiều điều về biển đảo quê mình. Tình yêu đất nước có thể được dấy lên bởi những lần được “chạm” cảm xúc như thế, chứ không nhất thiết phải học thuộc hết vài trăm trang sách giáo khoa hay những bài giảng lịch sử khô khan. Những hồi ức về trận chiến đấu cách đây 25 năm thật sự “truyền lửa” cho lớp trẻ, để thế hệ tương lai của đất nước hiểu sâu sắc hơn về một thời “khi Tổ quốc cần họ biết sống xa nhau”, và để những ai còn vô tâm có thể giật mình nhìn lại…
Điều rút ra từ ngày kỷ niệm 25 năm trận chiến bảo vệ đảo Gạc Mạc ngoài sự tri ân với những người đã ngã xuống còn là bài học trong việc giáo dục, “truyền lửa” cho lớp trẻ, để tiếp thêm sức mạnh cho thế hệ 8X, 9X. Bởi lẽ, thách thức ngày nay trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước cũng không kém gian khổ, khó khăn như sứ mệnh của cha anh thưở trước.
TOÀN VÂN