.

Vì một thành phố đáng sống

.

Đại hội Đảng bộ thành phố Đà Nẵng lần thứ 20 họp vào tháng 10-2010.

Nghị quyết của Đại hội, ở phần cuối có một đoạn cô đọng nêu mục tiêu phấn đấu của Đảng bộ và nhân dân thành phố được đông đảo cán bộ, đảng viên, người dân thành phố rất quan tâm:

“Phấn đấu đến năm 2020, Đà Nẵng có quy mô dân số không vượt quá 2 triệu người, trở thành một thành phố có môi trường đô thị văn minh và giàu tính nhân văn, có thiên nhiên trong lành và đời sống văn hóa cao, làm giàu bằng kinh tế tri thức; một trong những thành phố hài hòa, thân thiện, an bình, một thành phố hấp dẫn và đáng sống”.

Trên Công viên Biển Đông, Đà Nẵng.      Ảnh: QUỐC TÍN
Trên Công viên Biển Đông, Đà Nẵng. Ảnh: QUỐC TÍN

Sau Đại hội, dư luận cả nước cũng rất chú ý đến mục tiêu này. Nhiều người tán thành và chia sẻ với Đà Nẵng về mục tiêu hướng tới một thành phố hấp dẫn và đáng sống. Họ bình luận với mục tiêu này, Đà Nẵng đang hướng tới chất lượng cuộc sống, đến vai trò trung tâm của con người. Có người còn cho rằng, từ những đặc điểm và quy mô của Đà Nẵng, với quyết tâm của lãnh đạo và sự đồng thuận của nhân dân đã được minh định trong những nỗ lực và sáng tạo thời gian vừa qua, Đà Nẵng hoàn toàn có điều kiện để thực hiện mô hình “Một thành phố hấp dẫn và đáng sống”.

Đầu năm 2011, người viết bài này đã bày tỏ sự nhất trí với mục tiêu cao đẹp ấy và mong muốn “làm thế nào để trong tâm trí người Đà Nẵng luôn cháy bỏng một khát vọng về một thành phố hấp dẫn và đáng sống, để đem tất cả nguồn lực và tiềm năng của mình qua từng ngày, trong từng việc cùng nhau xây dựng thành phố”.

Rất tiếc là trong quá trình thực hiện Nghị quyết Đại hội 20 của Đảng bộ thành phố, trong thực hiện các nhiệm vụ kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh hằng năm, chúng ta đã không luôn luôn hướng tới, bám sát mục tiêu ấy, không đánh giá những mục tiêu ấy được thực hiện đến đâu và phải làm gì để những mục tiêu ấy từng bước trở thành hiện thực.

Trong các báo cáo năm 2011, năm 2012 của Thành ủy, cũng như của UBND (trình bày trước HĐND) cũng không có một đoạn nào nhắc lại mục tiêu ấy và cho biết Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đã làm gì để thực hiện mục tiêu này.

Đành rằng việc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế-xã hội khác (theo thông lệ có chừng 11 chỉ tiêu) đều góp phần, có khi trực tiếp, có khi gián tiếp cho việc thực hiện mục tiêu ấy, từ số lượng du khách và du khách quốc tế đến Đà Nẵng, số lao động được giải quyết việc làm, số hộ đã được đưa ra khỏi diện các hộ nghèo...

Trong thời gian qua, các ngành, các cấp của thành phố cũng đã có nhiều cố gắng qua hoạt động của mình góp phần xây dựng thành phố, đóng góp tích cực vào mục tiêu “xây dựng thành phố hấp dẫn, đáng sống”, như chương trình “5 không”, “3 có”; chương trình “xây dựng thành phố môi trường”, “xây dựng thành phố thông minh”.

Hơn nữa, con người ta luôn luôn hướng tới chân-thiện-mỹ như Bác Hồ đã nói “nhân dân ta từ lâu đã sống với nhau có tình, có nghĩa”, giàu tính nhân văn không phải là một yêu cầu mới mà chúng ta áp đặt khi xây dựng thành phố hấp dẫn và đáng sống. Đó là chúng ta dựa vào, phát huy những giá trị vốn có từ bao đời của nhân dân.

Nhưng mục tiêu xây dựng thành phố hấp dẫn, đáng sống rõ ràng là chưa được hiểu đúng và làm đúng như tinh thần Nghị quyết 20. Và nếu không đề cập đến một cách rốt ráo, không có sự tập trung nguồn lực để từng bước giải quyết các mục tiêu thành phần của mục tiêu lớn “thành phố hấp dẫn và đáng sống”, không có những giải pháp kết nối lồng ghép việc thực hiện mục tiêu ấy với những chỉ tiêu kinh tế-xã hội thông lệ (mà chúng ta đã quá quen với việc kiểm định, đánh giá…) thì mục tiêu “thành phố hấp dẫn và đáng sống” mà Nghị quyết Đại hội 20 đã xác định sẽ mãi là chuyện xa vời.

Chúng ta có thể bào chữa, vừa qua, do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế thế giới, đất nước gặp nhiều khó khăn, lo cho kinh tế ổn định, những chuyện cơm áo, gạo tiền không làm rối xã hội đã quá căng thẳng, còn đâu mà lo chuyện hấp dẫn, đáng sống, chuyện văn hóa.

Chúng ta không thể đồng tình với những ý kiến đó. Chúng ta đều biết, không thể chờ kinh tế phát triển mới lo được chuyện đáng sống, hấp dẫn. Đương nhiên trong điều kiện nhất định của kinh tế, ngân sách Nhà nước, túi tiền của người dân, việc thực hiện mục tiêu “thành phố hấp dẫn, đáng sống” phải có mức độ, quy mô và nhất là giải pháp phù hợp.

Gần đây, trước tình hình tội phạm nghiêm trọng diễn ra ngày càng phổ biến, phức tạp, tiếng kêu than về đạo đức, lối sống xuống cấp ngày càng nhiều, có người nói “xây dựng và phát triển văn hóa” sẽ cứu rỗi cho xã hội, cho cuộc đời đầy rẫy những bức xúc đắng lòng. Có thể đây là phản ứng quá mức, nhưng kiến giải của họ không phải là không có lý.

Xét cho cùng, hiện tượng xem nhẹ mục tiêu xây dựng thành phố an bình, hài hòa, thân thiện, thành phố hấp dẫn và đáng sống có nguyên nhân sâu xa. Chúng ta coi trọng kinh tế và coi nhẹ văn hóa, chúng ta chưa bảo đảm “kết hợp chặt chẽ giữa tăng trưởng kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội”, chúng ta chưa nhận thức rõ “văn hóa là nền tảng tinh thần vững chắc và là sức mạnh nội sinh quan trọng của phát triển” (Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 11, trang 75 - 76).

Thời gian đang đi rất nhanh và không chờ đợi ai. Chúng ta sắp kết thúc một nửa nhiệm kỳ Đại hội Đảng. Thành phố hấp dẫn và đáng sống là mục tiêu xây dựng cho Đà Nẵng, vì Đà Nẵng, đó cũng là kỳ vọng, tâm huyết của đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân thành phố. Không phải là vừa qua chúng ta không làm được gì mà là chúng ta chưa dành cho mục tiêu quan trọng này sự đầu tư và những nỗ lực sáng tạo tương xứng.

Thời gian không còn nhiều, những cố gắng của chúng ta phải được khởi động, tập trung phát huy ngay.

Chúng ta phải dành sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc hướng tới thực hiện mục tiêu này. Xây dựng thành phố hấp dẫn, đáng sống phải là một mục, một đại sự được bàn thảo, quyết định trong các cuộc hội nghị quan trọng của thành phố và các cấp. Tất nhiên phải có một chương trình hành động với các giải pháp và tiến độ cụ thể, có cơ quan và người chịu trách nhiệm.

Lãnh đạo, chỉ đạo như thế nào không thuộc phạm vi bài viết này.

Tôi chỉ xin đề nghị:

- Hình thành một nhóm công tác giúp lãnh đạo theo dõi, chỉ đạo công việc này gồm một số cán bộ chủ chốt của các cơ quan, đoàn thể có liên quan như Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Sở Tài nguyên-Môi trường, Sở Thông tin-Truyền thông, v.v…

- Trước mắt, nhóm công tác này có nhiệm vụ soạn thảo một bộ tiêu chí về thành phố hấp dẫn, đáng sống (có thể mời các chuyên gia liên quan đến những lĩnh vực mà bộ tiêu chí bao quát):

+ Môi trường đô thị văn minh và giàu tính nhân văn.

+ Thiên nhiên trong lành và đời sống văn hóa cao.

+ Làm giàu bằng kinh tế tri thức.

+ Hài hòa.

+ Thân thiện.

+ An bình.

Bộ tiêu chí này cần gồm không quá nhiều điều, gọn gàng, rõ ràng, dễ kiểm định.

Ủy ban Nhân dân thành phố sẽ xem xét, phê chuẩn và công bố.

- Với bộ tiêu chí này, UBND thành phố có thể yêu cầu các cơ quan Nhà nước hoặc các tổ chức kiểm định độc lập, định kỳ (6 tháng, 1 năm) kiểm định từng tiêu chí, công bố kết quả và từ đó yêu cầu các cơ quan, các tổ chức kinh tế, các tổ chức xã hội và người dân phải làm gì.

Như qua kiểm định về tiêu chí thu gom, vận chuyển, xử lý rác có yêu cầu Công ty Môi trường đô thị phải làm gì (cải tiến những gì) trong hoạt động của mình, và có yêu cầu người dân phải làm gì để thực hiện sự hợp tác tích cực với Công ty Môi trường đô thị trong vấn đề trên.

Dù cuộc sống của chúng ta chưa cao. Nhưng mỗi người Đà Nẵng sẽ cảm thấy rất hạnh phúc, rất hài lòng, rất tự hào được làm dân của một thành phố hài hòa, thân thiện, an bình, một thành phố hấp dẫn và đáng sống.

Thành phố mơ ước đó, chúng ta đều biết không phải tự nhiên mà có. Chúng ta nhất định sẽ chung tay góp sức để thành phố hấp dẫn, đáng sống không chỉ là mơ ước mà là mảnh đất quê hương hiện thực, là cuộc sống trần thế của cộng đồng mọi người, mọi nhà Đà Nẵng.

NGUYỄN ĐÌNH AN

;
.
.
.
.
.