.

Có chìa tay cũng nên có chia tay

Đó là ý kiến của một đại biểu tham dự hội thảo đánh giá 15 năm thực hiện chính sách thu hút nguồn nhân lực (THNNL) của thành phố Đà Nẵng.

Theo đại biểu này, thực hiện chính sách THNNL, thành phố Đà Nẵng đã chìa tay với thái độ “chiêu hiền đãi sĩ“ trân trọng và thực sự trọng dụng nhân tài. Nay trước yêu cầu phát triển của thành phố ngày càng cao cũng nên chia tay với những người đã đầu quân nhưng chưa có đóng góp hoặc có sự cống hiến tương xứng với yêu cầu; năng lực, thực tài chưa ngang tầm với bằng cấp. Nên mạnh dạn “nói không” với cả người có mác đào tạo nước ngoài nhưng hiệu quả công việc không vượt trội so với đồng nghiệp cùng trình độ được đào tạo trong nước, cùng môi trường làm việc như nhau. Chính vì lẽ đó, trong tổng số 1.034 người có trình độ từ đại học đến tiến sĩ về “đầu quân” cho Đà Nẵng, 105 người ra đi là hết sức bình thường và theo quy luật tự nhiên: có tuyển mộ ắt có đào thải, có thu hút ắt có ra đi!

Phải nhìn nhận rằng, THNNL là một chủ trương nhìn xa trông rộng của lãnh đạo thành phố. Đà Nẵng cần những nguồn lực mạnh để phát triển và trên thực tế chính nguồn nhân lực chất lượng ngày càng cao đã thúc đẩy Đà Nẵng phát triển nhanh, mạnh và bền vững như hôm nay.

Điều hấp dẫn trong chính sách THNNL của Đà Nẵng không chỉ là chế độ đãi ngộ, mặc dù nó rất quan trọng giúp đối tượng thu hút (ĐTTH) ổn định cuộc sống ban đầu. Chính thái độ chìa tay mời chào và trọng dụng thực sự mới là lực hấp dẫn mạnh nhất trong chính sách THNNL của Đà Nẵng. Đại đa số ĐTTH được bố trí sử dụng, tạo môi trường thuận lợi để phát huy chuyên môn, phấn đấu khẳng định mình và có cơ hội thăng tiến nghề nghiệp. Con số 206 ĐTTH được bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, tỷ lệ là cứ 5 người có 1 người làm lãnh đạo (theo khảo sát của Sở Nội vụ) đã chứng minh điều đó.

Do nhu cầu của một đơn vị hành chính mới thành lập, chính sách THNNL của Đà Nẵng ban đầu còn chú trọng về số lượng và từng bước nâng chất lượng. Điều này không có nghĩa thu hút là tiếp nhận tất cả, cứ có bằng cấp là được nhận bởi vấn nạn “học giả, bằng thật” trong xã hội vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Đà Nẵng vẫn cần nguồn nhân lực chất lượng cao cho giai đoạn phát triển mới để bứt phá về đích CNH-HĐH vào năm 2020. Do vậy, yêu cầu khách quan đòi hỏi chính sách THNNL của Đà Nẵng phải nâng chuẩn mới cao hơn.

Chính sách THNNL của thành phố sắp đến cần phải điều chỉnh với yêu cầu cao hơn nữa về chất lượng đào tạo, phải thu hút theo vị trí công tác, mang tính cạnh tranh để chọn lựa được người thực tài. Chuẩn chất lượng chuyên môn đào tạo cũng như năng lực thực tài của ĐTTH phải cao hơn. Việc trọng dụng, đãi ngộ nhân tài một cách đúng mức nhằm giữ chân người tài thực sự và có tâm huyết vì sự phát triển của thành phố.

Thu hút người tài cũng cần phải đi đôi với sàng lọc, đào thải những người qua thực tiễn không chứng minh được thực tài hoặc thiếu nỗ lực cống hiến, kết quả làm việc không tương xứng với chính sách đãi ngộ. Nếu hai quá trình này song song với nhau, Đà Nẵng sẽ có một đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngang tầm với yêu cầu phát triển của thành phố.

ĐOÀN SƠN

;
.
.
.
.
.