Chưa khi nào kể từ trước đến nay, hoạt động sản xuất trên biển của ngư dân Việt Nam đối mặt với khó khăn, nguy hiểm như thời gian này. Các tàu đánh bắt xa bờ triển khai sản xuất tại các ngư trường truyền thống đều bị tàu ngư chính, tàu chiến và cả máy bay trực thăng của Trung Quốc vây ráp, xua đuổi, thậm chí ngang nhiên nã súng bắn cháy ca bin tàu. Không những vậy, tàu cá Trung Quốc tràn ngập vùng biển Việt Nam, có nơi chỉ cách bờ từ 40 - 50 hải lý, cố tình cản trở hoạt động sản xuất bình thường của ngư dân ta.
Giữa biển cả mênh mông, trên những con tàu bằng gỗ công suất không lớn lắm, ngư dân Việt Nam không tấc sắt trong tay thì làm được gì trước sự hung hãn của tàu quân sự Trung Quốc! Hơn lúc nào hết, họ rất cần sự bảo vệ của Nhà nước, của các cơ quan chức năng. Nói đúng hơn, họ rất cần điểm tựa bình yên mỗi khi vươn khơi, bám biển.
Nỗi niềm này được ngư dân tỉnh Quảng Nam chia sẻ với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vào ngày 14-4 vừa qua, khi ông đến thăm làng chài ven biển Tam Quang, huyện Núi Thành. Cùng với nguyện vọng được bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản, ngư dân đề đạt với Chủ tịch nước nhiều vấn đề mà họ bức xúc bấy lâu: được vay vốn ưu đãi, thời gian dài để phát triển đội tàu công suất lớn, được hưởng các chính sách ưu đãi có tính đặc thù của Nhà nước; xóa bỏ các loại phí, thuế bất hợp lý ngư dân đang gánh chịu… Theo họ, thời gian qua, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, nhưng các chính sách đó chưa tạo động lực để hình thành đội tàu công suất lớn hùng hậu, chưa giúp được nhiều cho ngư dân cải thiện đời sống và hoạt động sản xuất trên biển. Chủ tịch nước đã chia sẻ với ngư dân, đồng thời cam kết Đảng, Nhà nước sẽ quan tâm hơn đến hoạt động khai thác hải sản, tiếp tục tìm hiểu thông tin từ các cơ quan, đoàn thể, qua đó đề ra giải pháp hữu hiệu nhất bảo đảm an toàn cho ngư dân… Lời của Chủ tịch nước cũng là điểm tựa cho ngư dân trong lúc này.
Thành phố Đà Nẵng, địa phương có tiềm năng biển rất lớn, một phần lãnh thổ thiêng liêng là huyện đảo Hoàng Sa đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép. Nhiều năm nay, chính quyền thành phố, cơ quan chức năng và các tổ chức, đoàn thể đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ nhằm động viên, khuyến khích ngư dân tích cực bám biển. Chính sách hỗ trợ đóng mới tàu công suất lớn với mức từ 500-800 triệu đồng/chiếc, tùy công suất đã mở ra cơ hội lớn để nâng cấp đội tàu hiện có. Tuy vậy, so với 28 tỉnh, thành phố có biển trên cả nước, số tàu đánh bắt xa bờ của ngư dân Đà Nẵng còn rất khiêm tốn, chỉ gần 170 chiếc.
Hội Nông dân thành phố, ngôi nhà chung của hàng vạn nông-ngư dân Đà Nẵng, từ trước đến nay, cùng với việc trực tiếp hỗ trợ ngư dân trong điều kiện có thể, đã tham mưu cho UBND thành phố, các ngành liên quan ban hành nhiều chính sách khả thi giúp ngư dân đẩy mạnh sản xuất. Từ sự quan tâm kịp thời, hiệu quả này, không ít ngư dân đã có đội tàu 3-4 chiếc, liên tục bám biển, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Đại hội Hội Nông dân thành phố lần thứ VII (nhiệm kỳ 2013-2018) khai mạc trọng thể vào sáng nay (16-4) là sự kiện quan trọng đối với hàng vạn nông, ngư dân trên địa bàn thành phố. Từ nghị quyết của đại hội, công cuộc xây dựng nông thôn mới và làm giàu từ biển được kỳ vọng sẽ đẩy mạnh hơn, đời sống nông-ngư dân sẽ không ngừng cải thiện. Riêng đối với ngư dân, trước tình hình sản xuất đang gặp khó khăn gay gắt do tàu Trung Quốc liên tục vây ráp, xua đuổi, cản trở, Hội là tổ chức sẽ đứng ra bảo vệ, là điểm tựa để những con tàu tiếp tục bám biển, vươn khơi.
NGUYỄN CẦU