.

Đợi sự đổi thay mạnh mẽ

Trong 3 năm tới, Đà Nẵng sẽ xây dựng được hệ thống dịch vụ hỗ trợ toàn diện, đạt chất lượng cao và bền vững dành cho người khuyết tật (NKT). Đó là mục tiêu của dự án Chương trình toàn diện và tích hợp trợ giúp NKT giai đoạn 2013-2015, do Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) ký kết thực hiện với UBND thành phố.

Với phương pháp quản lý ca, thông tin của từng NKT được cập nhật vào hệ thống để theo dõi, báo cáo nhanh đến các bên liên quan. Một số phần việc quan trọng của dự án trị giá 66 tỷ đồng này là cải thiện chất lượng các dịch vụ hỗ trợ chuyên biệt, hệ thống giám sát dị tật bẩm sinh, sàng lọc trẻ sơ sinh, chăm sóc sức khỏe trước khi mang thai và giám sát phòng ngừa ung thư. Bên cạnh đó, tỷ lệ trẻ khuyết tật đến trường sẽ tăng 20%, tỷ lệ NKT có việc làm tăng 20%.

Báo cáo của USAID cho biết, thế giới hiện có hơn 1 tỷ người (chiếm 15% dân số) đang mắc một hay nhiều dị tật nào đó, từ 110-190 triệu người có những khó khăn đáng kể về chức năng. Tỷ lệ NKT gia tăng, trong đó có nguyên nhân từ sự già hóa và tác động của bệnh mãn tính, NKT ít có điều kiện tiếp cận các dịch vụ dẫn đến khó cải thiện đời sống. Đây cũng là khó khăn mà NKT trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đang đối mặt.

Qua sự kiện ký kết lần này có thể nói, lần đầu tiên tại Việt Nam nói chung, Đà Nẵng nói riêng triển khai một dự án gồm nhiều hợp phần tác động sâu, rộng đến đời sống NKT. Có thể hình dung qua đây những vấn đề vĩ mô sẽ được giải quyết. Vì vậy, càng hy vọng những phần việc vi mô, tạm coi là khó khăn nhỏ của NKT sẽ thật sự không còn lặp lại sau vài năm nữa.

Một trong những cái khó nhưng không quá khó giải quyết của NKT thành phố hiện nay là không có địa điểm sinh hoạt cố định. Hiện Hội NKT vẫn chưa có trụ sở. Sau vài lần di dời, đến nay Hội được một tổ chức phi chính phủ tài trợ kinh phí thuê nhà thêm 1 năm nữa tại địa chỉ 37 Lê Văn Long. Nói theo một cán bộ Hội: “Chúng tôi đang lơ lửng chưa biết năm tới di dời tiếp về đâu”. Tương tự, các em khiếm thính lâu nay loay hoay tìm chỗ tập hợp sinh hoạt định kỳ, hết quán cà-phê rồi vỉa hè đường Bạch Đằng, giờ nhờ nhà riêng của một người tốt bụng.

Mong là trong quá trình triển khai dự án lớn trên, những khó khăn nhỏ, trước mắt và cơ bản của NKT sẽ được ưu tiên giải quyết, để không chỉ NKT mà toàn xã hội có thể trông đợi sự thay đổi đáng kể trong đời sống của NKT sau vài năm nữa, khi môi trường thuận lợi hơn, cơ hội nhiều hơn, dịch vụ chuyên biệt hơn, con người và cơ chế làm việc chuyên nghiệp hơn.

Không phủ nhận nỗ lực của thành phố trong việc cải thiện cuộc sống của NKT như hỗ trợ tiền sinh hoạt phí, tích cực thu hút các nguồn tài trợ cho chương trình của NKT, đối tượng khuyết tật luôn được ưu tiên trong các đợt trao quà, phát thưởng... Song, để NKT thật sự được hòa nhập cộng đồng thì còn cần nhiều hành động mạnh mẽ hơn thế.

Mỗi lần ra khỏi nhà với NKT là vấn đề lớn. Lề đường, lối đi công cộng dù ở một vài nơi đã tính đến nhu cầu sử dụng của NKT, nhưng những đoạn đường văn minh như thế chưa nhiều. Rồi trường học, nhà sách, địa điểm mua sắm hiện vẫn chưa là nơi NKT có thể thoải mái lui tới. Chúng ta có khi bắt gặp hình ảnh một học sinh bị tật hai chân phải “leo” lên phòng học bằng đôi chân của người khác khi không có mấy ngôi trường thiết kế cầu thang phù hợp với NKT.

Với một số NKT khác, được vào siêu thị đôi khi là giấc mơ, bởi chẳng lẽ mỗi lần đi mua sắm lại phải mang theo chiếc xe lăn khi những nơi này đầu tư đủ thứ mà không trang bị vài phương tiện di chuyển dành cho khách hàng là NKT.

Có muôn vàn trở ngại trên con đường NKT hòa nhập cộng đồng, nhưng cũng đã có muôn vàn sự sẻ chia đến với họ. Song, hy vọng những chia sẻ trong tương lai không dừng ở những lời động viên hay sự giúp đỡ trước mắt, mà sẽ là những việc làm thiết thực để tạo nên sự đổi thay thực chất trong đời sống của NKT.

THU HOA

;
.
.
.
.
.