.

Không ưu tiên nước sinh hoạt?

Cả thành phố Đà Nẵng bị mất nước sinh hoạt trong 3 giờ vào cuối tuần qua vì trạm bơm phòng mặn An Trạch bị sấm sét gây mất điện. Thủy điện Đắk Mi 4 không chịu xả nước về lại dòng Vu Gia để phục vụ nước sinh hoạt cho gần 1 triệu dân thành phố Đà Nẵng, dù cách đây 3 năm, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải ký công văn yêu cầu đơn vị này xả 25m3/s về hạ lưu sông Vu Gia… Câu chuyện ấy tưởng chừng đã giải quyết từ lâu, nay lại được “xới” lên quyết liệt tại cuộc làm việc giữa Tổng cục Thủy lợi, Điện lực Việt Nam với hai địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề là Đà Nẵng và Quảng Nam vào ngày 31-3.

Không ngạc nhiên sao được, ngay từ năm 2008, Đà Nẵng đã chuẩn bị cho việc nhiễm mặn sông Cầu Đỏ với việc xây dựng và đưa vào sử dụng trạm bơm phòng mặn tại thượng lưu đập dâng An Trạch cùng hệ thống đường ống đưa nước ngọt về Nhà máy Nước Cầu Đỏ để sản xuất khi nước sông Cầu Đỏ bị nhiễm mặn. Trời hạn hán bất thường trong mùa mưa năm ngoái phải vận hành trạm bơm này hết công suất từ cuối tháng 11-2012 đến nay, khiến chi phí sản xuất nước đã trội lên đến 8 tỷ đồng. Tuy nhiên, với sự cố khá hy hữu là sét đánh vào hệ thống cấp điện của trạm bơm phòng mặn An Trạch, hai nhà máy nước lớn nhất Đà Nẵng là Cầu Đỏ và Sân bay dù được ưu tiên cấp điện ổn định cũng không thể sản xuất và cung cấp nước sạch bình thường cho thành phố vì nguồn cấp nước thô để sản xuất bị tạm cắt đứt.

Sự cố mất điện do sét đánh tuy sớm được khắc phục và việc sản xuất, cung cấp nước sạch được phục hồi sau 3 giờ nhưng việc vận hành trạm bơm phòng mặn An Trạch để đưa nước về sản xuất trong thời gian trước mắt cũng như lâu dài vẫn gặp nhiều khó khăn, bất trắc, chưa thực sự làm yên lòng người dân. Bởi trạm bơm này chỉ là trạm bơm phòng mặn, không phải trạm cấp nước, sử dụng trạm bơm này thường xuyên sẽ xảy ra nhiều sự cố đối với các máy bơm, đặc biệt là sự cố đối với tuyến ống dẫn độc đạo dài hơn 8km từ An Trạch về Nhà máy Nước Cầu Đỏ. Tuyến ống nước thô này chẳng may gặp sự cố là cả Đà Nẵng phải chịu khát vì tuyến ống này nằm sâu dưới mặt đất, đào lên sửa chữa tốn không biết bao nhiêu ngày.

Đặc biệt, nước sông Yên tại thượng lưu đập dâng An Trạch bị cạn kiệt là nỗi lo lớn nhất. Thời gian qua, có những ngày mực nước tại đập dâng này ở cao trình 1,5m, thấp hơn cao trình thiết kế 0,5m dù tất cả các cửa của đập dâng này và các đập dâng Hà Thanh, Bàu Nít đều đóng kín. Việc lấy nguồn nước thô tại thượng lưu đập dâng An Trạch đang khá phụ thuộc vào việc vận hành các công trình thủy điện ở thượng lưu hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn và việc cấp nước tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp của tỉnh Quảng Nam, thành phố Đà Nẵng, nhất là vào những ngày tiến hành đổ ải, gieo sạ, tưới nước cho lúa và cấp nước cho diện tích nuôi trồng thủy sản khá lớn.

Điều đáng nói là Luật Tài nguyên nước và các quy trình vận hành đập dâng, hồ chứa, liên hồ chứa thủy điện đều quy định việc ưu tiên cấp nước sinh hoạt. Khi mực nước tại đập dâng An Trạch hạ thấp thì tất cả trạm bơm phục vụ sản xuất nông nghiệp của tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng phải ngừng hoạt động để ưu tiên cấp nước sinh hoạt. Nhưng thực tế, năm nào Đà Nẵng cũng phải lên tiếng, quyết liệt đòi quyền được ưu tiên cấp nước phục vụ sản xuất nước sinh hoạt, thậm chí phải đệ đơn lên Thủ tướng Chính phủ xin can thiệp. Điển hình là việc các nhà máy thủy điện chỉ xả nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, Nhà máy Thủy điện Đắk Mi 4 tiếp tục phớt lờ chỉ đạo của Chính phủ - chặn tiệt dòng nước sông Đắk Mi, không trả nước về sông Vu Gia để về sông Yên và sông Cầu Đỏ, cung cấp nước ngọt cho các nhà máy nước của Đà Nẵng sản xuất nước sinh hoạt. Thực tế là từ khi xây dựng và vận hành Nhà máy Thủy điện Đắk Mi 4, do không có nguồn nước từ thượng nguồn về đẩy mặn, nước sông Cầu Đỏ liên tục bị nhiễm mặn nặng.

Đặc biệt, tại cuộc họp vào ngày 31-3, trong khi Đà Nẵng kiên quyết yêu cầu Nhà máy Thủy điện Đắk Mi 4 phải xả nước về dòng Vu Gia như chỉ đạo của Chính phủ để phục vụ sản xuất nước sinh hoạt thì nhà máy này vẫn cương quyết xả nước về sông Thu Bồn, giúp vùng Hội An, Điện Bàn, Duy Xuyên (Quảng Nam) đẩy mặn, phục vụ chống hạn vụ hè thu.

Điều đáng nói là cuộc họp thống nhất bằng “lời nói” rằng, cấp nước phục vụ sinh hoạt cho gần 1 triệu dân Đà Nẵng là ưu tiên số một, nhưng “chương trình hành động” thì chỉ thống nhất xả nước các hồ chứa thủy điện từ ngày 15 đến 30-5 để phục vụ đổ ải, làm đất, gieo sạ vụ hè thu ở hạ du; trong đó, thủy điện Đắk Mi 4 vẫn cương quyết không xả nước về lại sông Vu Gia. Tổng cục Thủy lợi và ngành Nông nghiệp của tỉnh Quảng Nam và TP. Đà Nẵng cùng thực hiện một giải pháp chưa có tiền lệ và cũng rất tạm bợ là chặn dòng sông Quảng Huế tại huyện Đại Lộc bằng bao cát để đưa dòng nước chảy từ sông Thu Bồn về sông Vu Gia, cấp nước phục vụ sản xuất nước sinh hoạt cho người dân Đà Nẵng.

Mới giữa mùa xuân, người dân thành phố đã lo âu thiếu nước sinh hoạt, trong khi theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, hạn hán còn kéo dài ít nhất đến tháng 8-2013. Người dân mong muốn thành phố có giải pháp thích đáng đòi lại việc ưu tiên nguồn nước phục vụ mục đích sinh hoạt cho mình.

HOÀNG HIỆP
 

;
.
.
.
.
.