.

Lễ hội pháo hoa và những công trình

Từ trung tuần tháng 4, tôi nhận được nhiều “đơn đặt hàng” của bà con ngoài quê và bạn bè đến Đà Nẵng xem pháo hoa. Không riêng tôi mà nhiều, rất nhiều gia đình khác ở Đà Nẵng cũng tấp nập khách thập phương trong dịp này. Khách du lịch kết hợp thăm bà con, anh em trở thành một nét riêng của Đà Nẵng nhiều năm nay.

Một phần cũng tiết kiệm được chi phí nhưng thật tình mà nói, cũng do ngoại cảnh, là dịp này nếu không nhanh chân, sẽ không tìm được phòng nghỉ vì hầu hết các khách sạn đều kín chỗ. Nhờ sự hấp dẫn của lễ hội pháo hoa, Đà Nẵng nhộn nhịp, sôi động hẳn lên trong dịp lễ 30-4, 1-5. Nhiều người chọn Đà Nẵng là điểm đến thời điểm này với số lượng khách tăng gấp nhiều lần so với ngày thường.

Lễ hội pháo hoa làm Ngày Chiến thắng (30-4) và Quốc tế Lao động (1-5) ở Đà Nẵng tươi mới, tràn đầy sức sống. Trải qua 5 năm, cuộc thi khiến mọi người, mọi tầng lớp xích lại gần nhau, cùng nhau thưởng ngoạn vẻ đẹp của nghệ thuật từ tinh hoa năm châu tụ về, cùng tận mắt chứng kiến sự đổi thay từng ngày của một Đà Nẵng trẻ trung, năng động; cùng nhau hưởng hương vị độc lập, thanh bình, hòa hiếu của một dân tộc vốn chịu nhiều đau thương, mất mát. Lần đầu tiên trong lịch sử, Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4) được chọn là Quốc lễ. Đà Nẵng chào mừng Ngày giải phóng thành phố (29-3) và ngày Quốc lễ theo cách riêng của mình, bằng những dấu ấn rất cụ thể trong mục tiêu xây dựng một “thành phố an bình, đáng sống”.

Cứ vào dịp kỷ niệm Ngày Chiến thắng, Đà Nẵng tổ chức khánh thành một hoặc một vài công trình hạ tầng, dân sinh. Mỗi công trình là dấu ấn của năm lưu lại trên dòng chảy lịch sử. Chào mừng 15 năm giải phóng, thành phố khánh thành cầu Sông Hàn nối phố xá nghênh ngang bên ni Hàn (Hải Châu) với phía bên tê những làng chài xơ xác chạy dài từ phường An Hải Tây, đầu cầu Nguyễn Văn Trỗi ra tận phường Mân Thái. Cầu Sông Hàn, đường Trần Hưng Đạo là liều thuốc kích thích Sơn Trà, nàng tiên ngủ quên bừng tỉnh.

Đến nay, mới hơn 10 năm, từ vùng quê nghèo, Sơn Trà trở thành đô thị mới, trẻ trung, phố xá nghênh ngang sánh vai với bên ni Hàn. Rồi đường Nguyễn Tất Thành, đường ven biển Hoàng Sa, Trường Sa đã thay đổi hẳn một cách nhìn về biển. Đà Nẵng đang hướng mạnh ra biển và quyết đi lên từ biển. Khoan nói đến các ngành ngoại thương và khai thác hải sản, thì chuỗi các dự án du lịch từ Hải Vân Quan đến bán đảo Sơn Trà, đến Ngũ Hành Sơn và chạy thẳng vào Cửa Đại (Hội An) cũng đủ để nói về sự bùng phát mạnh mẽ của kinh tế biển.

Năm 2013 này, Đà Nẵng có đến 3 công trình được khánh thành vào dịp 29-3: cầu Rồng với đầu Rồng hướng ra biển, cầu Trần Thị Lý như cánh buồm no gió tiến đến tương lai, cáp treo Bà Nà đạt 4 kỷ lục thế giới và các công trình khánh thành vào dịp 30-4: Novotel Hotel với tòa nhà chọc trời, cầu Nguyễn Tri Phương, cầu Khuê Đông, đường Võ Chí Công.

Cầu Nguyễn Tri Phương nối đường Nguyễn Hữu Thọ với đường Võ Chí Công. Đại lộ vành đai được chọn mang tên vị lãnh tụ khả kính của dân tộc, nhà cách mạng sinh ra và gắn bó sinh tử với quê hương “Trung dũng, kiên cường, đi đầu diệt Mỹ” cũng minh chứng quyết tâm phát triển kinh tế - xã hội vùng đất phía đông nam thành phố. Tất cả những gì đang diễn ra ở khu vực này có thể khẳng định rằng, trong những năm còn lại của thập niên này, Hòa Quý, Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn) và bên này là Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ) là một đại công trường xây dựng.

Đà Nẵng đang đổi thay từng ngày. Những năm gần đây, mỗi mùa pháo hoa - mỗi dịp 30-4, Đà Nẵng lại được bạn bè trên cả nước và thế giới biết đến như một điểm đến thân thiện, yên bình. Và tôi cũng như bao người dân Đà Nẵng đều tự hào về thành phố của mình, một thành phố “hài hòa, an bình, hấp dẫn và đáng sống”.

TƯỜNG VY

;
.
.
.
.
.