Cùng một thời điểm, cả nước khẩn cấp tiến hành nhiều biện pháp quyết liệt phòng, chống dịch cúm A/H5N1 và dịch cúm A/H7N9 đang lây lan, gây tử vong 13 trường hợp tại Trung Quốc. Không ai dám khẳng định dịch cúm A/H7N9 sẽ không xuất hiện trong nước, bởi Việt Nam có chung biên giới với Trung Quốc, nhiều lỗ hổng phòng dịch xuất hiện nhưng chưa được giải quyết triệt để. Trong đó, vấn đề nhập lậu gia cầm luôn gây nhức nhối vì tiềm ẩn nguy cơ lây truyền dịch bệnh rất cao.
Với thái độ rất khẩn trương, Bộ Y tế và Bộ NN&PTNT bàn giải pháp phối hợp chống dịch kép. Cửa khẩu sân bay Nội Bài, sân bay Đà Nẵng… được bố trí cán bộ kiểm dịch quốc tế nhằm kiểm soát thân nhiệt từng hành khách từ nước ngoài, đặc biệt là hành khách Trung Quốc. Công tác tập huấn phòng và điều trị bệnh triển khai đến cấp quận, huyện trên cả nước…
Theo nhận định của Bộ NN&PTNT, đã xuất hiện hiện tượng chim yến chết hàng loạt và xét nghiệm dương tính với virus cúm A/H5N1. Điều đáng nói là nguy cơ lây lan từ việc nuôi thả chim yến khiến việc bùng phát dịch cúm A/H5N1 tại nhiều địa phương rất cao. Hiện tượng gia cầm chết trôi sông tại một số tỉnh phía Nam chưa rõ nguyên nhân cũng làm việc phòng ngừa dịch bệnh trở nên phức tạp, khó khăn hơn.
Công tác phòng ngừa dịch bệnh được các bộ, ban, ngành chủ động từ rất sớm nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và vật chất, ảnh hưởng xấu đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của nhiều địa phương. Bài học về đối phó với đại dịch SARS cách đây tròn 10 năm với tốc độ lây lan khủng khiếp tại Việt Nam một lần nữa được ngành y tế nhắc lại để cho thấy sự nguy hiểm mỗi khi thế giới đối mặt với những dịch bệnh mới phát sinh.
Điều đáng nói là dù đẩy mạnh chống buôn bán gia cầm nhập lậu qua biên giới, nhưng bản tin thời sự hằng ngày trên Đài Truyền hình Việt Nam vẫn phản ánh tái diễn tình trạng buôn bán gia cầm nhập lậu từ Trung Quốc về các tỉnh phía Bắc với mức độ ngày càng tinh vi hơn. Nếu như gà sống dễ phát hiện thì nay, đầu nậu nhập gà đông lạnh thành khối, vận chuyển bằng ô-tô du lịch 4 chỗ để qua mặt cơ quan chức năng tại các điểm chốt chặn. Lẽ thường thì có cầu mới có cung, nên câu hỏi đặt ra là khi dịch bệnh nguy hiểm xuất hiện nhưng vì sao không ít người dân trong nước lại chọn mua những loại thực phẩm không nguồn gốc, không an toàn, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Câu trả lời là có thể do ý thức phòng bệnh của nhân dân vẫn kém. Cũng có thể do chuộng thực phẩm giá rẻ mà chỉ có thực phẩm nhập lậu từ bên kia biên giới mới có thể đáp ứng được tiêu chí đánh vào túi tiền người dân. Nhiều nhà hàng, khách sạn, quán ăn qua mặt thực khách bằng những thực phẩm nhập lậu, giá rẻ nhưng không ai biết sẽ nguy hại sức khỏe đến mức nào.
Ngăn chặn dịch từ biên giới mới chỉ là phần ngọn. Lúc này, vấn đề nên làm là song song với công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, huấn luyện chuyên môn nghiệp vụ, các ngành chức năng như Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT đóng vai trò chủ đạo trong việc tuyên truyền về nguyên nhân, tác hại và cách thức phòng bệnh cụ thể, rõ ràng, dễ hiểu để các tổ chức, đơn vị cũng như mỗi người dân nâng cao ý thức hơn nữa trong công tác bảo vệ sức khỏe cá nhân và cộng đồng. Làm thế nào để người dân kiên quyết nói không với gia cầm lậu là phần gốc trong bài toán phòng, chống dịch bệnh cần được đẩy mạnh hơn mới mong đạt hiệu quả.
DIỆU MINH