.

Sự khó hiểu của chính sách

Qua câu chuyện giá xăng dầu và giá vàng, người dân ngày càng bối rối hơn, không biết phải suy luận thế nào cho hợp lẽ về phương pháp điều hành của các bộ.

1- “Liên Bộ tiếp tục chỉ đạo việc kiểm tra, kiểm soát thị trường, ngăn ngừa việc lợi dụng chủ trương điều hành giá xăng dầu để tăng giá hàng hóa, dịch vụ khác không hợp lý; đồng thời tích cực thực hiện chủ trương tiết kiệm xăng, dầu của Chính phủ trong sản xuất và tiêu dùng”. Đó là khẳng định của liên Bộ Tài chính - Công thương trong thông báo tăng giá xăng dầu, tối 28-3, tại trang web của Bộ Tài chính.

Có thể lược bỏ bớt ngôn từ để nhìn rõ vấn đề hơn, thì khẳng định nói trên đề cập đến mệnh đề quan trọng: Ngăn ngừa tác động tiêu cực của giá xăng đối với giá các mặt hàng khác. Thoạt nghe, đó quả là những điều tốt đẹp. Thế nhưng, nếu xem xét kỹ, không còn nghi ngờ gì nữa, nó cực kỳ duy ý chí, phản khoa học và tất nhiên khó có thể coi là lời nói thật.

Ai cũng biết rằng, không thể điều hành kinh tế nói chung, thị trường nói riêng bằng quyết tâm, ý chí, lời nói (giá trị tinh thần). Ngược lại, chỉ có thể điều hành thị trường bằng những giá trị vật chất rõ ràng, cụ thể ở đây là chi phí đầu vào của nền kinh tế. Thế nhưng, riêng liên Bộ Tài chính - Công thương thì nhận thức này có vẻ ngược lại.  

Trong lúc giá xăng dầu thế giới giảm, thay vì giữ hoặc hạ giá xăng dầu trong nước như lời hứa mới đưa ra (!) và phù hợp với quy luật thị trường thì liên Bộ Tài chính - Công thương dùng mệnh lệnh hành chính cho phép giá xăng dầu tăng, nghĩa là trực tiếp tác động tăng chi phí đầu vào của nền kinh tế, sau đó lại bày tỏ quyết tâm ngăn chặn giá cả thị trường leo thang. Hành động đó không thể được lý giải một cách thấu đáo dựa trên quan điểm duy vật cũng như những nhận thức cơ bản của kinh tế học. Nói một cách hình tượng, nó khác nào một người cứ tì tì uống rượu mà quyết tâm… không say!

“Sự ngoằn ngoèo”, rõ ràng là duy ý chí, không đáng tin cậy trong phương pháp điều hành của liên Bộ Tài chính - Công thương khiến không ít người đặt câu hỏi: Phải chăng “lợi ích nhóm” đang tồn tại trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu - lĩnh vực cực kỳ nhạy cảm của nền kinh tế - nơi mà mỗi chính sách đưa ra đều tác động ngay tức khắc đến cả nền kinh tế cũng như cơm áo gạo tiền của mỗi người dân? Đến lúc này, câu hỏi đó vẫn là một điều bí ẩn.

2- Ngày 28-3, lần đầu tiên Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đấu thầu 26.000 lượng vàng miếng với giá cao hơn thị trường khoảng 400.000 đồng/lượng vào cùng thời điểm. Kết quả, NHNN chỉ bán được 2.000 lượng với giá sàn, ế 24.000 lượng. Sau phiên đấu thầu, đại diện NHNN khẳng định: Bán được vàng nhiều hay ít không phải là mục tiêu của NHNN; và rằng, NHNN tham gia bình ổn thị trường chứ không bình ổn giá!

Thật khó chấp nhận sự bao biện quá “thô” của vị đại diện này! Bán không được thì gọi là ế, cho thấy hàng của anh không đủ sức cạnh tranh, áp đặt giá cao hơn mặt bằng thì gọi phi thị trường chứ còn gì nữa? Và đặc biệt là, luận điểm “bình ổn thị trường chứ không bình ổn giá” thì quả là đi đến tận cùng cùng sự… khó hiểu. Bình ổn thị trường mà không bình ổn giá thì bình ổn cái gì?

Thực ra, nếu ai không hiểu được logic, lập luận nói trên của liên Bộ Tài chính - Công thương, NHNN thì cũng chẳng có gì đáng ngại lắm đâu. Bởi lẽ, ngay cả Quốc hội, đại biểu Quốc hội, những người trực tiếp giám sát hoạt động của các cơ quan này nhiều khi còn không hiểu nổi nữa là… Chả thế mà tại phiên họp của Quốc hội có truyền hình trực tiếp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phải chỉ định TS Trần Du Lịch (đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh) đứng lên tranh luận với Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình với tư cách… một chuyên gia kinh tế!

Chính sách thể hiện tư duy của người điều hành. Đến khi nào chính sách vẫn còn khó hiểu thì lúc ấy chớ mong người dân hiểu người điều hành. Mà không hiểu thì làm sao thông cảm, làm sao chia sẻ khó khăn đây!

NGUYÊN LÊ

 

;
.
.
.
.
.