.

Thót tim giá sữa

“Mỗi lần sữa tăng giá là thấy thót tim”. Một bà mẹ đã nói như vậy, khi đứng tần ngần chọn sữa cho con trước hàng chục loại sữa ở cửa hàng. “Thót tim” có lẽ là từ ngắn gọn và dễ hiểu nhất để diễn tả nỗi nơm nớp của những ông bố bà mẹ khi theo dõi giá sữa nhảy múa không chỉ một đôi lần.

Hiện nay, giá sữa, đặc biệt là sữa ngoại, có giá rất cao. Tất cả các chi phí như quảng cáo, tiếp thị, tư vấn, thậm chí là chi hoa hồng cho các phòng khám nhi, các đại lý, và giá bao bì, nhãn mác... đã dồn hết vào giá thành của sản phẩm, đè nặng lên vai người tiêu dùng. Trong quá khứ, sữa đã có hàng trăm đợt tăng giá, khi càng ngày, các bậc phụ huynh càng chú trọng việc cho con uống dặm sữa trong khẩu phần ăn hằng ngày. Nhưng những đợt tăng giá gần đây được xem là bất thường, do tăng giá nhiều lần trong khoảng thời gian rất ngắn, đặc biệt có loại, chỉ trong vòng 3 tháng đã tăng đến 10%. Khảo sát trên thị trường Đà Nẵng cho thấy, có đến hơn 100 sản phẩm sữa của doanh nghiệp sản xuất trong nước và nhập khẩu có giá mới kể từ cuối tháng 3, đầu tháng 4 này. Các công ty như FrieslandCampina Việt Nam, Mead Johnson Nutrition Việt Nam, Vinamilk, hãng sữa Dumex, Abbott và Nutrifood… đã đồng loạt tăng giá trên dưới 10%.

Sẽ không ngoa, nếu nói rằng sự tăng giá từ trước đến nay đều có một lộ trình hẳn hoi. Đầu tiên, khi tung ra một mặt hàng, các hãng sữa điều các tư vấn viên tận tình tư vấn, hướng dẫn, khuyến mãi, thậm chí “khuyến dụ” người tiêu dùng mua cho bằng được sản phẩm. Sau khi đạt được sự tin tưởng của người tiêu dùng trong một khoảng thời gian nhất định, nhà sản xuất bắt đầu tung chiêu “hết, cháy, đứng hàng”.

Người tiêu dùng bắt đầu lo lắng, hồi hộp, chạy tháo khắp nơi để tìm cho ra loại sữa mà con mình thường dùng. Bằng “mưu mẹo” đó, nhiều nhà sản xuất sữa cố tình tạo nên một uy tín ảo để chiêu dụ “người hâm mộ”. Và điều tất yếu cuối cùng, sau những trò đánh trận giả như vậy, là... tăng giá. Nhưng nhà sản xuất không dại gì tăng giá dưới bao bì cũ, mà vin vào việc gia tăng hàm lượng, thay đổi công thức, làm mới bao bì... để tăng vô tội vạ, bất chấp sự phản ứng của người tiêu dùng. Mà thật ra, không gì hơn ngoài “bình mới, rượu cũ”, bởi không có một cơ quan nào có thể xác nhận chất lượng sữa của hãng X, Y được nâng cao tương ứng với giá cả. Một chuyên gia về dinh dưỡng đã từng nói: “Sữa nào cũng từ sữa bò mà ra, có thành phần tương tự nhau, chứ đâu phải là thần tiên gì để các hãng thổi phồng sản phẩm qua mặt người tiêu dùng như vậy”.

Không ngoài dự đoán, sau đợt tăng giá mới, các hãng lập tức đưa ra hàng loạt lời giải thích: hoặc tăng để bảo đảm chi phí theo lộ trình hết thời hạn đăng ký cũ, hoặc tăng vì có thay đổi nhãn mác, bao bì, chi phí đầu vào và thành phần chất lượng...

Điều đó chứng tỏ là việc kìm hãm giá sữa của các cơ quan quản lý về giá đã vượt quá xa tầm kiểm soát. Như nhiều sản phẩm nhạy cảm khác là điện, nước, gas..., thì sữa, thường chiếm đến 1/2 khẩu phần ăn hằng ngày của trẻ em, luôn làm người tiêu dùng điên đầu mà không biết kêu ai. Không có kiểm soát, kiểm tra và hậu kiểm tra, giá sữa mặc sức được đằng chân, lân đằng đầu để làm mưa làm gió.

Cũng có thể nói, các hãng sữa hoàn toàn không hề nhân văn khi kinh doanh một sản phẩm nhân văn vốn dành cho trẻ em. Trái ngược với những lời quảng cáo mượt mà, luôn luôn là: “Chúng tôi hiểu nỗi lo của các bậc cha mẹ”..., các nhà sản xuất không hiểu hoặc cố tình không hiểu về nỗi lo tài chính của người mua, khi luôn luôn nặng gánh về những khoản tăng vô cớ. Một niềm tin chỉ tồn tại bền vững, một khi nhà sản xuất có những cam kết bền vững để giữ trọn lòng tin đó và gắn bó lâu dài với một thị trường vốn mang lại doanh thu rất lớn này.

HẰNG VANG

;
.
.
.
.
.