.

Ứng xử với lãi suất

Nền kinh tế đang mong mỏi lãi suất, trước hết là lãi suất vay vốn, hạ xuống thấp hơn nữa. Nhưng ở mức độ nào thì được xem là thấp? Bên cạnh các loại hình lãi suất thấp mang tính bao cấp do Nhà nước chỉ định đối với một số lĩnh vực ưu đãi thông qua Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội, thì lãi suất thấp của hệ thống ngân hàng thương mại được hình thành, bởi cơ chế cạnh tranh thị trường mới là “cần câu” cần thiết đối với nền kinh tế trong bối cảnh hiện nay.

Nếu xét từ kỳ vọng của đa số doanh nghiệp, lãi suất cho vay nên duy trì ở mức phổ biến 10%/năm là phù hợp. Nếu đứng trên quan điểm điều hành của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất phải “trung hòa” được quyền lợi giữa người gửi tiền và người đi vay, theo đó mức lãi suất tiền gửi từ 7-9% và cho vay dao động từ 10-12%.

Như vậy, có thể cho rằng, khả năng hạ lãi suất trong thời gian đến là khả thi với điều kiện tiếp tục duy trì có hiệu quả các nỗ lực nhằm ổn định vĩ mô đi đôi với kiểm soát lạm phát.

Vấn đề quan trọng hiện nay là tín dụng với lãi suất thấp sẽ được nền kinh tế hấp thụ như thế nào? Tăng trưởng dư nợ vẫn đang ì ạch, liệu lãi suất thấp có phải là giải pháp chủ yếu nhằm hóa giải tình trạng này? Có không ít ý kiến hoài nghi về sự tái diễn của cái “vòng luẩn quẩn” nếu cứ mãi chạy theo lối mòn của tư duy bao cấp về lãi suất: lãi suất thấp - tăng trưởng cao - lạm phát - thắt chặt tín dụng - lãi suất cao?

Một nguyên tắc mà bản thân doanh nghiệp và hệ thống ngân hàng cần nhận thức rõ, đó là lãi suất thấp theo nguyên tắc thị trường không bao giờ dành cho tất cả mà chỉ ưu tiên đối với những khách hàng thật sự có uy tín, sở hữu phương án kinh doanh có hiệu quả, có triển vọng phát triển bền vững. Trong điều kiện kinh tế thị trường, cần thừa nhận sự tồn tại khách quan các mức lãi suất cao thấp đan xen nhau. Do đó, cũng không nên ngạc nhiên khi nhiều khách hàng phải chấp nhận đi vay với lãi suất cao hơn mức bình thường (tương ứng với mức độ rủi ro nhiều hơn cho chính mình và ngân hàng) nếu không đủ năng lực thuyết phục được ngân hàng cấp tín dụng với giá rẻ. Những ý kiến đòi hỏi phải áp dụng đại trà mặt bằng lãi suất thấp, hoặc cho rằng lãi suất ở Việt Nam là quá cao so với các nước khác, hoặc lãi suất là nguyên nhân dẫn đến suy kiệt năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp đều không ổn và không khả thi, cả về lý luận lẫn thực tiễn.

Xét trên góc độ vĩ mô, nền kinh tế chỉ được xem là hiệu quả một khi xây dựng được 3 trụ cột cơ bản, qua đó góp phần hình thành một thị trường tiền tệ với mức lãi suất hấp dẫn, yểm trợ tốt cho hoạt động sản xuất kinh doanh: (1) tính ổn định của kinh tế vĩ mô, (2) tính chuyên nghiệp của hệ thống ngân hàng, (3) tính hiệu quả của hoạt động doanh nghiệp. Hiện tại cả ba trụ cột này đều yếu và thiếu, tình hình nhiều khi ở mức độ rất nghiêm trọng. Lãi suất ngân hàng thời gian qua mặc nhiên được xem là “tâm điểm”, là “cứu cánh”, thậm chí là “thủ phạm” mỗi khi nền kinh tế lâm vào khủng hoảng, kể cả việc dung dưỡng lối hành xử thiếu chuyên nghiệp ở một số ngân hàng cũng là tác nhân gây ra nhiều phản cảm, dẫn đến sự lệch pha trong nhận thức của dư luận khi đánh giá về vai trò của lãi suất nói riêng và hệ thống ngân hàng nói chung.

Điều đáng quan ngại là trong một thời gian dài hệ thống ngân hàng đã không làm tròn chức năng “bộ lọc hữu hiệu” của nền kinh tế, phần lớn tập trung vào chạy đua tăng trưởng tín dụng, thiếu kiểm soát rủi ro, buông lỏng tiêu chí xếp hạng chất lượng tín dụng, đánh đồng khách hàng tốt lẫn xấu, thậm chí tiếp tay cho khách hàng xấu dẫn đến nhiều “bi kịch” mang tính hệ thống như nợ xấu leo thang, thị trường bất động sản đóng băng, rủi ro đạo đức nghề nghiệp bùng phát...

Trên bình diện vĩ mô, trải qua nhiều năm và nhiều đợt khủng hoảng, lẽ ra sự nhận thức về những sai lầm trong quản lý Nhà nước, quản trị doanh nghiệp cần phải được nghiêm túc tổng kết rút kinh nghiệm đầy đủ, nhưng thật đáng tiếc, rất nhiều cơ hội để tự điều chỉnh, quyết tâm sửa sai, tăng tốc tiến kịp với thiên hạ đã bị bỏ qua. Trách nhiệm trước hết thuộc về các cơ quan điều hành chính sách, đặc biệt là sự phản ứng quá chậm trễ trước yêu cầu cấp bách phải đổi mới tư duy ở tầm chiến lược nhằm tạo lập nền tảng cho quá trình phát triển bền vững.

Trong bối cảnh nền kinh tế nước ta hiện nay, tâm lý kỳ vọng về một mức lãi suất thấp hơn có thể được xem là mong muốn chính đáng của mọi doanh nghiệp và cần được ủng hộ. Tuy nhiên, còn rất nhiều việc phải làm để hiện thực hóa mong muốn đó, trước hết là phải kiên trì quá trình củng cố và xây dựng lòng tin lẫn nhau giữa hệ thống ngân hàng và doanh nghiệp. Đồng thời, gửi đi thông điệp quan trọng đến các nhà điều hành chính sách cần phải nhanh chóng hành động để kiến tạo, nuôi dưỡng một môi trường kinh doanh thật sự cạnh tranh lành mạnh, tạo ra động lực khuyến khích và tưởng thưởng xứng đáng đối với những chủ thể kinh doanh làm ăn thật sự bài bản, đó mới là gốc rễ mang lại ổn định của nền tảng kinh tế vĩ mô nói chung, góp phần xử lý có hiệu quả, mang tính lâu dài, bài toán lãi suất nói riêng.

TÂM DÂN

;
.
.
.
.
.