.

Ai chịu trách nhiệm ngộ độc thực phẩm?

Chỉ vì ăn phải bánh mì nghi nhiễm khuẩn mà gần 30 trường hợp, trong đó có 5 trẻ em tại quận Ngũ Hành Sơn phải nhập viện cấp cứu do ngộ độc. Vụ ngộ độc này xảy ra ngay sau khi cả nước vừa kết thúc Tháng hành động “Vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm” năm 2013 (15-4 đến 15-5-2013) cho thấy sự việc rất đáng lo ngại.

Tính từ cuối năm 2012 đến nay, Đà Nẵng xảy ra 4 vụ ngộ độc thực phẩm làm nhiều người mắc phải, trong đó có 2 vụ xảy ra sau khi ăn bánh mì. Như vậy, sau một thời gian chấn chỉnh bằng việc đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra với thái độ quyết liệt, ngộ độc thực phẩm trên địa bàn thành phố cơ bản được kiềm chế thì hiện nay, ngộ độc thức ăn đang gây lo ngại và bức xúc lớn cho người dân bởi sự mất an toàn trong các khâu sản xuất, chế biến, phân phối khiến thực phẩm bị nhiễm bẩn. Sự việc một số cơ sở bánh mì tên tuổi, hàng chục năm nay mỗi ngày cung ứng một lượng lớn sản phẩm ra thị trường lại vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm phần nào cho thấy ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ sức khỏe đối với người tiêu dùng của tổ chức, doanh nghiệp đã và đang bộc lộ những lỗ hổng nhất định. Trách nhiệm đó ngoài bản thân doanh nghiệp, chắc chắn một phần thuộc về cơ quan quản lý chuyên ngành.

Điều đáng lưu ý là Đà Nẵng đang trong những tháng mùa hè oi bức. Các yếu tố gây hại như nhiệt độ cao cộng với bụi bẩn, ruồi nhặn bu bám nên thực phẩm rất dễ bị ôi thiu, nhiễm khuẩn, không bảo đảm an toàn. Nếu không có biện pháp bảo quản nghiêm ngặt thì rất dễ gây ngộ độc cho người ăn. Đây cũng là thời gian cao điểm thu hút khách du lịch đổ dồn về thành phố nghỉ mát, tắm biển. Do vậy, việc giữ gìn vệ sinh an toàn thực phẩm ở các nhà hàng, quán ăn, nhất là các hàng quán thuộc nhóm thức ăn đường phố càng trở nên quan trọng và cấp thiết. Một khi làm không tốt khâu quản lý chất lượng thực phẩm từ việc kiểm soát nguồn gốc, xuất xứ, chế biến, tiêu thụ… sẽ ảnh hưởng đến môi trường du lịch của thành phố.

Mỗi khi xảy ra ngộ độc thực phẩm, các cơ quan đều tiến hành kiểm tra, lấy mẫu và xử lý vi phạm. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là ai sẽ là người đánh giá mức độ thiệt hại sức khỏe cho người dân, và ai đứng ra chịu trách nhiệm về những vụ ngộ độc thực phẩm. Bởi hậu quả của việc tiêu thụ thực phẩm không an toàn không chỉ là ngộ độc cấp tính, các bệnh nhiễm do vi trùng, ký sinh trùng mà còn là các bệnh lý mãn tính do tích lũy các chất độc hại theo thời gian gây nên các bệnh về da, rối loạn chuyển hóa, suy dinh dưỡng, nguy hại hơn nữa là bệnh lý ung thư. Các chuyên gia nhiều lần cảnh báo, ngộ độc cấp tính mới chỉ là bề nổi, phản ánh tác hại tức thời của thức ăn không bảo đảm chất lượng, có thể can thiệp được nhưng nguy hiểm hơn là ngộ độc mãn tính. Về lâu dài, cơ thể con người sẽ nạp vào các loại hóa chất, tích tụ chất độc hại lâu ngày, ngoài dẫn đến những biến cố khôn lường cho sức khỏe, trong đó đáng sợ nhất là ảnh hưởng giống nòi.

Xác định an toàn vệ sinh thực phẩm là việc làm rất quan trọng nên trong công tác quản lý ngành, lãnh đạo thành phố bên cạnh yêu cầu cơ quan chức năng phải thường xuyên kiểm tra, siết chặt quản lý, xử phạt nghiêm khắc cá nhân, tổ chức vi phạm thì cần phải thông tin công khai và kịp thời các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở vi phạm cho các phương tiện truyền thông để đưa lên mặt báo. Tuy nhiên, việc làm này vẫn chưa được tiến hành thường xuyên, nghiêm túc. Thiết nghĩ, muốn chấn chỉnh vi phạm an toàn thực phẩm, việc thanh tra, kiểm tra không những cần được tăng cường với một thái độ quyết liệt hơn mà song hành với đó là ý thức, đạo đức kinh doanh của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân. Đây phải là công việc thường xuyên, liên tục chứ không đợi đến khi triển khai “Tháng hành động” mới được chú trọng.

DIỆU MINH

;
.
.
.
.
.