.

Bảo vệ du khách

Trong thời gian qua, tại rất nhiều tỉnh, thành phố du lịch ở Việt Nam xảy ra nhiều sự việc không mấy tốt đẹp, làm ảnh hưởng đến hình ảnh của du lịch quốc gia. Nổi bật nhất có lẽ là vụ việc 3 mẹ con người Úc đi xích lô từ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đến phố Hàng Trống (Hà Nội), bị tài xế đòi phải trả 1,3 triệu đồng.

Vụ việc lập tức được trình báo với cơ quan chức năng và tài xế này thừa nhận đã đòi khách trả số tiền “không tưởng” trên dù đoạn đường rất ngắn, chỉ 5km. Nhiều người bức xúc và Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch cùng lãnh đạo ngành Du lịch đã đến xin lỗi về vụ việc này.

Có thể nói trên đây chỉ là một việc nhỏ được giải quyết nhanh chóng và tích cực. Còn rất nhiều vụ “chặt chém”, chèn ép, lừa đảo khách du lịch đã xảy ra ở nhiều nơi. Thậm chí, không ít du khách dở khóc, dở mếu khi bị móc túi, cướp giật, mất nhiều tài sản có giá trị. Khi ấy, chuyến du lịch trở thành nỗi ám ảnh của du khách. Và dù điểm đến du lịch ấy có đẹp đẽ như thế nào, thì cũng khó lòng thu hút du khách quay trở lại lần thứ hai. Chưa kể những thông tin xấu như vậy đến với bạn bè, người thân của họ, vô hình trung, số lượng du khách vì vậy hao hụt không nhỏ. Theo nhiều người làm du lịch lâu năm ở các hãng lữ hành, tâm lý du khách trong nước và thế giới hiện nay, điểm đến lý tưởng là nơi không chỉ có cảnh đẹp, sản phẩm du lịch tốt và còn phải là nơi an toàn, văn minh.

So với các nơi khác, Đà Nẵng là điểm đến được đánh giá là “sạch”, an toàn cho du khách. Nhiều du khách đến Đà Nẵng đã có những đánh giá, nhận xét tích cực và ấn tượng với môi trường du lịch ở thành phố này. Tuy vậy, ở Đà Nẵng thi thoảng đó đây vẫn còn những hình ảnh chưa đẹp, vẫn còn những “hạt sạn”, mà hình ảnh nhiều khách sạn, nhà hàng, quán ăn... bị xử phạt do vi phạm về giá trong lễ hội pháo hoa vừa qua là một minh chứng. Để tạo môi trường thật sự trong lành và an toàn cho du khách, mới đây, Trung tâm Hỗ trợ du khách (Sở VH-TT&DL Đà Nẵng) đã ký kết quy chế phối hợp giúp đỡ, hỗ trợ khách du lịch với 5 cơ quan chức năng là Phòng Cảnh sát trật tự, Trung tâm Cấp cứu 115, Chi cục Quản lý thị trường, Thanh tra Sở Giao thông vận tải và Trung tâm An ninh hàng không cùng chung tay ngăn chặn tình trạng “chặt chém” du khách, gây mất trật tự, an toàn cho du khách...

Có thể nói, đây là một động thái hết sức tích cực của các ngành chức năng thành phố Đà Nẵng trong việc xây dựng hình ảnh đẹp, an toàn, thân thiện trong mắt du khách trong nước và quốc tế. Bởi, với quy chế phối hợp này, lực lượng của Trung tâm An ninh hàng không bảo đảm về an ninh và an toàn cho du khách ngay khi vừa đặt chân đến Sân bay quốc tế Đà Nẵng; Cảnh sát trật tự sẽ nhanh chóng có mặt xử lý nếu xảy ra trường hợp gây rối nơi công cộng ảnh hưởng đến du khách; Quản lý thị trường sẽ xử lý nhanh nếu xảy ra những trường hợp các cơ sở, đơn vị “chặt chém” du khách; Thanh tra giao thông sẽ bảo đảm không để xảy ra tình trạng xe dù, xe gió, taxi giả mạo để lừa đảo du khách... Những hành động nhanh chóng hỗ trợ du khách sẽ càng làm tăng hình ảnh tốt đẹp trong mắt du khách.

Đà Nẵng xác định mục tiêu xây dựng du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của mình. Thành phố này có những tiềm lực sẵn có về du lịch, có sông, có biển, có núi cũng như những sản phẩm đặc biệt thu hút du khách như lễ hội trình diễn pháo hoa, lễ hội du lịch biển, du ngoạn bằng trực thăng, du thuyền trên sông Hàn... Số lượng du khách trong nước và quốc tế đến Đà Nẵng trong 4 tháng đầu năm 2013 đều tăng so với cùng kỳ, một con số tích cực trong bối cảnh kinh tế vẫn hết sức khó khăn. Một khi du khách được bảo vệ một cách an toàn, chắc chắn số lượng du khách đến thành phố này sẽ còn tăng hơn nữa. Vấn đề còn lại là sự phối hợp nhuần nhuyễn, thường xuyên, liên tục của các cơ quan nói trên, tránh tình trạng “đánh trống bỏ dùi” trong bảo vệ du khách!

VIẾT THANH

;
.
.
.
.
.