.

Cách thị uy vô giá trị

Cách đây hơn một tuần, hôm 22-5, một tàu cá của Đà Nẵng mang số hiệu ĐNa 90328 (phường Xuân Hà, quận Thanh Khê) bị hai chiếc trực thăng của Trung Quốc bay tầm thấp uy hiếp trong khi tàu đang hoạt động tại tọa độ 16022’N - 109040’E (cách Đà Nẵng 80 hải lý về hướng Đông).

Hành vi “thị uy” của phía Trung Quốc đối với ngư dân Đà Nẵng ngay trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam là không thể chấp nhận được. Và điều đó chỉ cho thấy cách làm “thiển cận” của những kẻ quanh năm “chực chờ” để gây khó cho những người dân Việt đang mưu sinh chính đáng tại khu vực biển của đất nước mình.

Không dừng lại ở chuyện “thị uy” từ trên không, liên tục trong những tháng ngày qua, phía Trung Quốc đã sử dụng nhiều lực lượng gồm cả tàu hải giám, tàu hải quân xua đuổi tàu của ngư dân Quảng Ngãi, Quảng Nam và Đà Nẵng. Thậm chí, hôm 19-5, khi tàu cá QNa 90216 (xã Tam Quan, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) đang hành nghề tại tọa độ 15018’N - 111020’E (cách Nam - Đông Nam đảo Tri Tôn, quần đảo Hoàng Sa 31 hải lý) thì bị 2 tàu hải giám Trung Quốc số hiệu 44015 và 46006 xua đuổi, quay phim, chụp hình và chạy song song cùng tàu QNa 90216. Sau đó, ép tàu này chạy theo hướng 2700, cản trở không cho tàu đánh bắt hải sản. Đáng lên án hơn cả là hành vi “vô nhân đạo” của phía Trung Quốc khi dùng tàu mang số hiệu 264 đâm gãy be bên phải của tàu cá QNg 90917 khi tàu này đang hành nghề tại tọa độ 15021’N - 111018’E (cách Đông Nam đảo Tri Tôn, quần đảo Hoàng Sa 27 hải lý) hôm 20-5.

Bất chấp luật pháp quốc tế, bất chấp phản ứng mạnh mẽ từ công luận Việt Nam và trên thế giới, phía Trung Quốc đã sử dụng nhiều thủ đoạn uy hiếp ngư dân Việt khi họ đang đánh bắt trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam. Phía Trung Quốc ra oai, thị uy bằng lực lượng tàu lớn, hùng hậu, huy động cả hải giám, hải quân, trực thăng đe dọa tàu cá Việt Nam, gây thiệt hại lớn về kinh tế, ảnh hưởng đến đời sống của ngư dân ven biển miền Trung.

Nhưng liệu sự “thị uy” đó giá trị đến đâu? Có khiến cho ngư dân miền Trung chùn bước hay không? Và có khẳng định được giá trị của hai chữ “chủ quyền” mà phía Trung Quốc đang “vay mượn” của Việt Nam để giành giật Hoàng Sa - vùng biển máu thịt, gắn liền với chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam? Lẽ thường, cái uy, cái mạnh của nước lớn có chăng thể hiện trong sự lớn mạnh về kinh tế, về sự giàu mạnh, nơi người dân nước họ hơn các nước khác ở chất lượng sống, ở khả năng hòa nhập với cộng đồng quốc tế. Thế mà nay, cái uy ấy lại được phía Trung Quốc thể hiện bằng sự uy hiếp những ngư dân Việt trong tay không tấc sắt, những người chỉ vì mưu sinh mà quanh năm bám biển. Cái uy đó chắc chắn chẳng có ai thừa nhận và cũng chẳng thể nào khẳng định được sức mạnh của kẻ “đánh cắp tài sản” của người khác.

Cho dù dùng tàu lớn đe dọa, uy hiếp ngư dân Việt, thì phía Trung Quốc cũng không làm thay đổi được sự thật hiển nhiên là Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Họ có thể dùng sức mạnh để “thị uy” nhưng sức mạnh đó đang được sử dụng theo kiểu “luật rừng”, vi phạm luật pháp quốc tế, điều mà những người thật sự có uy lực không bao giờ sử dụng. Sự “thị uy” không chân chính như vậy chẳng nói lên được điều gì ngoài hình ảnh về cảnh “cá lớn nuốt cá bé” và cũng sẽ chẳng giúp ích gì cho họ trong việc thay đổi lịch sử in trên bản đồ thế giới rằng Hoàng Sa, Trường Sa nằm trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam.

Có thể ngư dân Việt đang phải chật vật đấu tranh với cái uy lực vô giá trị của phía Trung Quốc, nhưng chắc chắn không bao giờ họ buông xuôi. Vì lẽ đương nhiên, cái gì “của Cesar phải trả lại cho Cesar”. “Tài sản” của Việt Nam, bất luận ai có “cướp” đi thì cũng sẽ trở về với Việt Nam. Muốn “thị uy” với dân Việt, nên chăng đường đường chính chính tranh luận một cách khoa học, có cơ sở, có chứng lý, đúng quy định của luật pháp quốc tế. Còn sự “thị uy” bằng sức mạnh giữa biển khơi mênh mông của phía Trung Quốc với ngư dân miền Trung trong những tháng ngày qua là vô giá trị, chẳng thể hiện được điều gì ngoài việc khiến cho công luận thấy hành vi “vô nhân đạo” của kẻ lớn đi ức hiếp những người dân đang làm ăn chân chính ngay trên quê hương mình.

HÀ AN

;
.
.
.
.
.