.

Cần tiếp tục giảm lãi suất

Theo báo cáo tháng 4-2013 của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm nay tiếp tục gặp khó khăn nghiêm trọng. Tình hình sản xuất kinh doanh nhìn chung vẫn ở trạng thái ảm đạm, chi phí đầu vào cao, đầu ra sản phẩm tiêu thụ chậm, hàng tồn kho giảm ở mức không đáng kể.

Một trong những chỉ số quan trọng nhất là sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 4-2013 chỉ tăng 5% so cùng kỳ, thấp hơn mức tăng 5,9% của năm 2012. Điều nghiêm trọng hơn, làn sóng giải thể vẫn không giảm, trong 4 tháng đầu năm có 16,6 ngàn doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động, tăng 16,9% so cùng kỳ.

Trong bối cảnh như vậy, mức độ tăng trưởng tín dụng rất thấp từ đầu năm đến nay chỉ đạt 1,4% là điều không có gì đáng ngạc nhiên. Tuy nhiên, với tốc độ tăng trưởng huy động vốn đạt đến 5,34%, thanh khoản trở nên dư thừa, tình trạng đọng vốn đang là nguy cơ lớn đối với hệ thống ngân hàng. Thực tế này không chỉ tác động xấu đến hiệu quả hoạt động kinh doanh tiền tệ, mà quan trọng hơn, khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp vẫn chưa được hóa giải. Xét trên mọi khía cạnh của bài toán thúc đẩy tăng trưởng, nhằm sớm tạo điều kiện phục hồi lòng tin và khí thế làm ăn của doanh nghiệp, thì lãi suất vẫn là công cụ điều hành quan trọng nhất trong thời điểm hiện nay và cần được vận dụng linh hoạt hơn nữa để tạo ra động lực tiếp sức mạnh mẽ cho nền kinh tế.

Lãi suất cho vay nội tệ hiện nay nhìn chung đã giảm xuống, phổ biến 12 - 13%, ngoại tệ từ 6 - 7%/năm. Cần phải đặt ra mục tiêu giảm mạnh hơn; theo đó từ nay đến cuối năm lãi suất nội tệ phải về mức bình quân tối đa 10%/năm, ngoại tệ dưới 5%. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam dường như có vẻ rất thận trọng khi đề cập đến vấn đề giảm thêm lãi suất tiền gửi, xuất phát từ những luận cứ chưa lạc quan về khả năng kiềm chế lạm phát, dễ dẫn đến phản ứng thiếu tương thích với sự bức xúc thực sự của tình hình kinh tế-xã hội. Tất nhiên, ngoài giải pháp giảm lãi suất tiền gửi, cần phải mạnh dạn giảm thêm lãi suất tái cấp vốn, giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc… để hỗ trợ nhanh tiến trình hạ lãi suất cho vay. Một nguyên nhân quan trọng khác khiến hệ thống ngân hàng còn nhiều dè đặt trong vấn đề hạ lãi suất đó là áp lực lớn về nợ xấu, nợ tiềm ẩn rủi ro cao, tình hình thu nợ và thu lãi khó khăn, trong khi chủ trương chung về xử lý nợ xấu gần như vẫn giẫm chân tại chỗ.

Vấn đề trọng tâm trong điều hành lãi suất hiện nay không phải là trông chờ vào sự điều chỉnh tự nhiên của thị trường mà trên hết phụ thuộc phần lớn vào năng lực dự báo, đánh giá đúng đắn tình hình và công bố quyết sách kịp thời của các cơ quan hoạch định chính sách vĩ mô. Thời gian đã đang trôi dần qua quý 2-2013. Thông thường đây là quãng thời gian “hoàng đạo” trong năm, có tính chất quyết định để vực dậy tăng trưởng kinh tế. Không nghi ngờ gì nữa, thời gian lúc này quý hơn vàng, nếu không chủ động chạy đua với thời gian chúng ta sẽ tiếp tục tự đánh mất nhiều cơ hội…

TÂM DÂN

;
.
.
.
.
.