Hôm nay (20-5), cùng với cử tri cả nước, cử tri thành phố Đà Nẵng hướng về thủ đô Hà Nội theo dõi kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIII.
Kỳ họp này có rất nhiều nội dung quan trọng như: xem xét thông qua 10 dự án luật và một dự thảo nghị quyết gồm: Luật Hòa giải cơ sở; Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Phòng, tránh giảm nhẹ thiên tai; Luật Phòng, chống khủng bố; Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi); Luật Giáo dục quốc phòng-an ninh; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng; Luật sửa đổi, bổ sung Điều 170 của Luật Doanh nghiệp; Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2013 của Quốc hội.
Tại kỳ họp, Quốc hội sẽ cho ý kiến Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và 7 dự án luật khác như: Luật Tiếp công dân; Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng; Luật Đấu thầu (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy chữa cháy; Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi); Luật Việc làm. Tại kỳ họp còn có nội dung về các vấn đề kinh tế-xã hội, giám sát và các vấn đề quan trọng khác...
Một trong những nội dung mới của kỳ họp lần này rất được cử tri thành phố và cả nước chờ đợi, quan tâm, đó là lần đầu tiên Quốc hội thực hiện lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn… Cử tri rất phấn khởi và cho đây là bước tiến quan trọng trong việc xây dựng hệ thống chính trị, quyền giám sát của Quốc hội thay mặt nhân dân được thực hiện. Đây là việc làm cần thiết nhằm cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về vấn đề xây dựng Đảng và cũng thể hiện mong muốn, nguyện vọng của cử tri, nhân dân cả nước. Bởi thông qua việc bỏ phiếu tín nhiệm sẽ nâng cao vai trò giám sát của Quốc hội, nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ và tạo ra căn cứ pháp lý quan trọng để xử lý những trường hợp không còn đủ tín nhiệm để đảm nhận các cương vị mà Quốc hội đã bầu, phê chuẩn. Cùng với cử tri và nhân dân cả nước, cử tri thành phố trông chờ kết quả tích cực từ chủ trương này.
Tuy nhiên, điều cử tri mong muốn và chờ đợi nhất là các đại biểu, người bỏ phiếu tín nhiệm phải thật sự công tâm, khách quan, không bị tác động, phải độc lập chính kiến và đánh giá tín nhiệm một cách chính xác. Cùng với việc lấy phiếu tín nhiệm, Dự án Luật Đất đai sửa đổi cũng được cử tri và nhân dân đặc biệt quan tâm vì có những quy định cụ thể liên quan đến đất ở, đất sản xuất; về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cũng như thu hồi, bồi thường, hỗ trợ định cư hoặc quy định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Cử tri đồng tình với quy định, đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu, Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất và quyết định thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng-an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng.
Tuy nhiên, cử tri cũng còn băn khoăn về quy định mức đền bù với những thửa đất liền kề nhau nhưng mức đền bù lại chênh nhau, hay giá đền bù chưa sát với giá thị trường. Cử tri cho rằng, việc sửa đổi Luật Đất đai phải được cân nhắc phù hợp với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp nhằm đảm bảo hợp hiến và mang tính khả thi cao…
Để chuẩn bị cho kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIII, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố đã tổ chức 7 cuộc tiếp xúc cử tri tại các địa phương. Qua các cuộc tiếp xúc cử tri, điều rất mừng là, cử tri thành phố đánh giá cao hoạt động của Quốc hội trong thời gian qua, nội dung, hình thức hoạt động ngày càng được đổi mới, chất lượng các kỳ họp không ngừng được nâng lên. Thế nhưng, thực tế qua những cuộc tiếp xúc, bên cạnh niềm vui lớn đó là nỗi lo không nhỏ của cử tri về các vấn đề an sinh xã hội. Cử tri thành phố thật sự lo lắng, bức xúc đối với hoạt động điều hành vĩ mô của Chính phủ. Có thể nói, công tác điều hành của Chính phủ trong thời gian qua không tốt, đã để xảy ra quá nhiều vấn đề gây bức xúc như: việc quản lý giá vàng còn lúng túng, gây nên tình trạng biến động bất thường của thị trường vàng, làm ảnh hưởng đến nền kinh tế và tâm lý trong nhân dân; tình trạng doanh nghiệp ngừng hoạt động ngày càng tăng do suy giảm kinh tế, hàng hóa không tiêu thụ được, kéo theo đó là vấn đề việc làm, an sinh xã hội; chất lượng y tế còn thấp, vấn đề y đức ở mức báo động; giáo dục chất lượng kém, đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn; tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội diễn biến xấu, gây bất an trong xã hội; chính sách đối với người có công tuy có quan tâm nhưng vẫn còn nhiều đối tượng hưởng chính sách chưa tương xứng… Cử tri đề nghị Chính phủ cần có biện pháp sớm khắc phục tình trạng này; đồng thời đề nghị Quốc hội tăng cường giám sát chặt chẽ hơn nữa hoạt động của các cơ quan hành pháp, tư pháp…
Về kết quả trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri thành phố tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII, cử tri đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của các bộ, ngành Trung ương, đặc biệt là các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã kịp thời tiếp thu phản hồi cho cử tri được biết. Thế nhưng, bên cạnh đó, cũng còn nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri thành phố chưa được các bộ, ngành Trung ương trả lời hoặc trả lời nhưng chưa thỏa đáng, gây mất niềm tin của người đóng góp ý kiến vào vai trò điều hành của Quốc hội.... Cùng với cử tri cả nước, cử tri thành phố Đà Nẵng bày tỏ mong mỏi kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII sẽ có những đổi mới mạnh mẽ hơn nữa để hoạt động Quốc hội ngày càng hiệu quả, thể hiện được các chức năng quan trọng là lập pháp, giám sát tối cao và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, xứng đáng với niềm tin mà cử tri và nhân dân đã gửi gắm, chờ đợi…
LÊ VĂN HOA