Những năm qua, Đảng bộ và chính quyền thành phố Đà Nẵng luôn quan tâm công tác đầu tư chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, với những chương trình, kế hoạch dài hạn như giúp đỡ hộ đặc biệt nghèo, trẻ em hư, học sinh bỏ học; trợ giúp thanh - thiếu niên cai nghiện ma túy tái hòa nhập cộng đồng; các dự án hỗ trợ đối tượng xã hội bất hạnh, trẻ em khuyết tật..., nhờ đó đã góp phần vào việc bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện hiệu quả mục tiêu bảo vệ và chăm sóc trẻ em trên địa bàn.
Đặc biệt, các cấp, các ngành và địa phương trên địa bàn thành phố đã dành sự quan tâm chu đáo đối với trẻ em nghèo, trẻ em đặc biệt khó khăn, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các em được hưởng thụ đầy đủ các chính sách nhân đạo, nhân văn của thành phố. Qua đó, tạo môi trường bình đẳng để các em hòa nhập cộng đồng, thực hiện được quyền và nghĩa vụ của các em đối với gia đình, xã hội.
Hiện nay, toàn thành phố có hơn 200.000 trẻ em dưới 16 tuổi, chiếm tỷ lệ 21,5% dân số, trong đó gần 2.500 em có hoàn cảnh đặc biệt và hơn 20.000 trẻ em thuộc diện hộ nghèo. Trong giai đoạn 2010-2012, với sự cố gắng của chính quyền và cộng đồng xã hội, gần 9.000 lượt trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em thuộc diện hộ nghèo được hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng như trợ cấp thường xuyên về học bổng, học nghề, phẫu thuật tim, các dị tật khiếm khuyết cơ thể miễn phí; xây dựng nhà tình thương… với tổng kinh phí trên 28 tỷ đồng. Thực hiện Chỉ thị 24-CT/TU của Thành ủy, toàn thành phố đã xây dựng 29 mô hình điểm về quản lý, giáo dục trẻ vị thành niên vi phạm pháp luật và trẻ em có nguy cơ làm trái pháp luật tại cộng đồng dân cư; tổ chức phong trào thi đua giúp đỡ, cảm hóa trẻ em chưa ngoan giữa các ban, ngành, đoàn thể… Qua đó giúp 140 em tiến bộ và hơn 40 em ra khỏi diện quản lý; vận động số trẻ em bỏ học giảm từ 1.520 em (năm học 2007-2008) xuống còn 79 em trong năm học 2011-2012…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả nêu trên, công tác chăm sóc, giáo dục trẻ em ở Đà Nẵng thời gian qua vẫn còn những mặt hạn chế như tình trạng trẻ bị xâm hại thân thể có chiều hướng gia tăng; chất lượng chăm sóc trẻ em ở một số cơ sở, trung tâm còn chưa đạt yêu cầu do nguồn kinh phí đầu tư cho hoạt động này còn hạn chế; đặc biệt các thiết chế văn hóa, giải trí cho trẻ quá thiếu thốn và yếu… Do đó, thời gian tới, các cấp, ngành và các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ em trên tất cả các mặt, nâng cao nhận thức của xã hội về tầm quan trọng của công tác này. Trong đó, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 5-11-2012 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới”.
Trước mắt, để thực hiện có hiệu quả “Tháng hành động vì trẻ em” ở thành phố Đà Nẵng với chủ đề “Tạo cơ hội phát triển bình đẳng cho trẻ em nghèo và trẻ em dân tộc thiểu số”, chính quyền thành phố cùng các cơ quan chức năng cần rà soát các chính sách liên quan tới công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em để kịp thời chỉnh sửa, bổ sung cho phù hợp; tạo điều kiện để trẻ em nghèo, trẻ em miền núi, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn có cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội một cách bình đẳng. Bên cạnh đó, cần tổ chức các đợt khảo sát, đánh giá thực tế để có những trợ giúp thiết thực; tổ chức mạng lưới bảo vệ trẻ em tại cộng đồng; xử lý triệt để, nghiêm minh, đúng pháp luật mọi hành vi xâm hại, lợi dụng trẻ em; tăng cường kỹ năng sống cho trẻ em… Từ đó, phấn đấu trên 98% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp dưới mọi hình thức để các em hòa nhập cộng đồng; 100% trẻ em có HIV/AIDS trong diện quản lý được chăm sóc, điều trị, tư vấn; hạn chế tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục, bạo lực gia đình, trẻ lang thang; chống tai nạn thương tích cho trẻ và trẻ bị lao động trong điều kiện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
Hy vọng toàn xã hội sẽ chung tay hơn nữa trong công tác chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em, nhất là trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, từ đó tạo nền tảng vững chắc để xây dựng một thế hệ mới phát triển toàn diện trong tương lai.
CHUNG ANH