.

Để Đà Nẵng mãi đẹp trong lòng du khách...

1. Trong dịp diễn ra lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng, một khách du lịch tên D.M. chia sẻ trên Facebook của mình: Đà Nẵng du lịch là số 1 vì: không bị chém, người dân hiếu khách, thật thà (có sao bán vậy không phân biệt khách du lịch). Xin kể hai chuyện gây ấn tượng với dân miền Tây:1). Đi ăn: nghe đồn đặc sản ở Đà Nẵng là mì Quảng, vào một tiệm định ăn nhưng chủ quán tươi cười nói: “Quán tui... không ngon lắm, muốn ăn ngon đến quán X “ và ông vui vẻ chỉ đường. 2). Đi tắm biển: rạng sáng tôi với ông bạn đi tắm, biển buổi sáng sớm thật là đông người, chúng tôi chạy ào ra biển, nhưng nghe văng vẳng tiếng ai gọi, nhìn lên bờ thấy một em cứu hộ mặc đồ dễ nhận từ xa vừa gọi vừa ngoắt vào, sau đó em ấy tiến đến chỗ chúng tôi và nói nhỏ nhẹ “nơi nầy nguy hiểm, mời hai chú sang bên kia tắm”. Người dân ở Đà Nẵng có tinh thần “dân tộc” rất cao, họ biết gây ấn tượng tốt cho địa phương mình, bây giờ có ai hỏi ý kiến tôi nên đi đâu du lịch, tôi không ngần ngại “Đà Nẵng”.

Rất nhiều người đã bấm like (yêu thích) và bình luận về status của du khách trên. Và nhiều người thừa nhận Đà Nẵng là một trong những địa phương có môi trường du lịch tốt nhất nước.

2. Trong quá trình tác nghiệp ở lễ hội pháo hoa, chúng tôi được nghe một du khách Hà Nội thốt lên rằng: “Đà Nẵng của các bạn quá tuyệt vời. Tôi đến đây không có gì phải lo lắng cả. Tất cả mọi thứ đều chuẩn bị hết sức chu đáo và thuận tiện”. Ngay cả bác nông dân lớn tuổi đến từ Quảng Nam cũng phải thừa nhận: Đà Nẵng khác với nhiều nơi khác vì an ninh rất tốt.

3. Đó là hai câu chuyện nghe rất mát tai tại lễ hội pháo hoa vừa kết thúc. Pháo hoa không chỉ là “đặc sản” của thành phố bên sông Hàn mà còn là niềm tự hào của người dân Đà Nẵng. Sau 6 lần tổ chức, món “đặc sản” này vẫn để lại trong lòng người dân và du khách những dư vị khó quên xen lẫn những cảm xúc thật đặc biệt. Nhìn nhận lại cuộc thi pháo hoa năm nay, có thể nói Đà Nẵng đã tổ chức rất thành công như mong đợi của chính quyền và nhân dân. Từ rất sớm các ban ngành đã vào cuộc rốt ráo để lo từ cái vé giữ xe, từ điểm lưu trú đến dịch vụ ăn uống, mua sắm… Tất cả được quán triệt bởi giá cả niêm yết lẫn sự răn đe và giám sát. Tuy nhiên, chỉ chưa đầy nửa tháng trước và trong thời điểm diễn ra pháo hoa, các đơn vị chức năng đã xử lý gần 150 khách sạn, nhà trọ, quán ăn vi phạm với tổng số tiền gần 450 triệu đồng.

4. Mặc dù có những “hạt sạn” như vậy, nhưng điều đó chứng tỏ: Đà Nẵng rất quyết liệt và thẳng tay xử lý những trường hợp vi phạm. Đà Nẵng rất “sòng phẳng” với mỗi du khách đến đây khi họ bỏ túi tiền ra đi du lịch; đồng nghĩa chính quyền thành phố tỏ ra rất thân thiện, thoải mái, lịch thiệp với mọi “khách hàng” sử dụng dịch vụ tại đây. Sau lễ hội pháo hoa, có không ít sự chỉ trích từ các luồng dư luận thông tin khác nhau về một thành phố “ngập” rác nhưng ít ai thấy rằng chỉ trong vòng hai tiếng đồng hồ, những công nhân vệ sinh, giới trẻ và người dân Đà Nẵng đã dọn sạch để thành phố sớm mai lại trở về với không khí trong lành, không tồn tại một vụn rác đọng lại khó coi.

5. Dù có một vài “hạt sạn” nhặt ra từ lễ hội pháo hoa Đà Nẵng nhưng lễ hội vẫn thành công hơn mong đợi. Mấy năm rồi, pháo hoa đã thành thương hiệu của Đà Nẵng, người dân lẫn du khách vẫn còn nguyên cảm giác háo hức khi đón chờ sự kiện này những năm sau.

Chính người dân Đà Nẵng, chứ không phải ai khác, cùng nhau nhặt những “hạt sạn” không đáng có để không làm mất đi hình ảnh thành phố du lịch, thân thiện và mến khách, để Đà Nẵng thành điểm đến đáng nhớ với du khách bốn phương!

NGUYÊN ANH

;
.
.
.
.
.